Cuộc khủng hoảng Syria chưa ngã ngũ tại hội nghị Munich
VOV.VN - Hội nghị an ninh Munich diễn ra trong 3 ngày với chủ đề trọng tâm của chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 5 tại Syria.
Hội nghị an ninh Munich kết thúc ngày 14/2, trong bầu không khí ảm đạm. Tuy nhiên, sau đó, Nga và Mỹ đã nhất trí tăng cường hợp tác ngoại giao và trên những kênh khác để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch tại Syria, vốn là chủ đề thảo luận chính tại hội nghị Munich.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, và Đặc phái viên về Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tại Hội nghị an ninh Munich. (ảnh: AP). |
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Ischinger cho rằng, cộng đồng thế giới đang đối mặt với sự thất bại trong giải quyết và ngăn chặn các cuộc xung đột nguy hiểm. Thế giới sẽ phải tiếp tục đối phó với tình hình bất ổn không thể dự đoán trước và cuộc khủng hoảng di cư mang số người tị nạn khổng lồ tới châu Âu.
Hội nghị an ninh Munich diễn ra trong 3 ngày với chủ đề trọng tâm của chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 5 tại Syria. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được nhiều kết quả khi sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng vẫn tồn tại giữa các nước.
Trong đó, dù “Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria” trong cuộc họp ở Munich đã nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn, tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria, song những nghi ngại vẫn nổi lên xung quanh thỏa thuận dự kiến có hiệu lực trong vòng 1 tuần, vì sự đối đầu giữa Nga và Mỹ.
Trong khi Nga nhấn mạnh ngừng bắn ở Syria là bước tiến quan trọng nhằm khởi động đàm phán hòa bình, nhưng vẫn không chấm dứt các cuộc không kích tại Syria vì lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) thì phía Mỹ và các đồng minh phương Tây lại cho rằng, sẽ không có hy vọng nào cho tiến trình hòa bình tại Syria nếu Nga không ngừng chiến dịch ném bom Syria.
Phát biểu trong ngày họp cuối cùng ở Munich, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain nhấn mạnh: “Nếu thỏa thuận này biến thành sự xâm lược thay vì sự trừng phạt thì nó sẽ cho thấy sự yếu kém và không mạnh mẽ của phương Tây. Nếu các đồng minh và đối tác của chúng ta tại Trung Đông không đáng tin cậy và thiếu thực tế thì không chỉ thỏa thuận này thất bại mà cuộc chiến tại Syria sẽ còn tiếp diễn và sẽ có thêm nhiều người vô tội phải bỏ mạng. Dòng người di cư sẽ tiếp tục kéo dài, khủng bố sẽ tiếp diễn và người dân của chúng ta sẽ tiếp tục bị de dọa, bị tấn công”.
Tuy vậy, sau khi Hội nghị an ninh Munich khép lại, một “tin tốt” đã đến khi Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện một cuộc điện đàm nhất trí 2 nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề Syria và Ukraine. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo hàng đầu Nga-Mỹ đã thắp lên hy vọng về những nỗ lực ngoại giao sắp tới giữa 2 nước để giải quyết các vấn đề an ninh và điểm nóng xung đột trên thế giới.
Theo giới quan sát, Hội nghị an ninh Munich dù kết thúc ảm đảm song đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới, thúc giục những nỗ lực và sự cần thiết trong giải quyết các cuộc xung đột dai dẳng như tại Syria. Bên cạnh đó, các nước cũng cần xây dựng lại lòng tin thông qua việc tăng cường đàm phán chính trị./.