Australia đứng đầu thế giới về tỷ lệ lắp đặt pin năng lượng mặt trời ở gia đình
VOV.VN - Người dân Australia đang tích cực chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo khi tỷ lệ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình tăng mạnh trong thời gian qua và trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình.
Theo thống kê của Australia, hiện ở nước này, khoảng 1/3 hộ gia đình, tương đương với hơn 3,6 triệu hộ đã lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Và đây là tỷ lệ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cao nhất trên thế giới hiện nay. Trong đó, bang Nam Australia đang đi đầu với tỷ lệ này đạt gần 50%.
Sở dĩ ngày càng nhiều người dân Australia lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời vì giá thành điện và khí gas tại nước này tăng chóng mặt. Trong khi đó, Australia là quốc gia có nhiều nắng và nắng quanh năm nên nếu tận dụng được lợi thế này thì các hộ gia đình sẽ giảm khoản chi đáng kể dành cho năng lượng. Ước tính, khoản tiền đầu tư ban đầu cho hệ thống năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình ở Australia sẽ hoàn vốn sau khoảng 5 năm.
Bên cạnh đó, dịch vụ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cũng dễ dàng tiếp cận, chính quyền liên bang và chính quyền các bang cũng đưa ra các khoản hỗ trợ tài chính hấp dẫn nên khuyến khích được nhiều gia đình lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Không chỉ vậy, nếu lượng điện sản xuất ra dư thừa so với nhu cầu sử dụng thì người dân có thể bán lại cho lưới điện.
Nhờ việc người dân tích cực lắp đặt tấm pin năng lượng ở các gia đình nên trong năm 2022 điện năng được sản xuất từ các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên các mái nhà chiếm khoảng 11% sản lượng điện tại Australia và chiếm tới 38% nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất ra tại nước này.
Mặc dù điện mặt trời đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng tái tạo tại Australia song trong thời gian tới, số lượng các gia đình lắp đặt pin năng lượng mặt trời được hy vọng sẽ tiếp tục tăng để giúp Australia đạt được tham vọng đến năm 2030, nâng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo lên đến 82%, giúp Australia đạt được mục tiêu cắt giảm 43% khí nhà kính và sau đó là đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.