Bất ngờ về chữ thập ngoặc được sử dụng phổ biến ở cả Liên Xô

VOV.VN - Biểu tượng chữ thập ngoặc gắn liền với chế độ phát xít Đức. Nhưng kỳ thực đây là biểu tượng phổ biến ở nhiều nơi, kể cả Liên Xô.

Dấu thập ngoặc (một cách gọi của phương Tây đối với chữ vạn/swastika) thực sự là một biểu tượng phổ biến ở Nga trong những năm đầu tiên của chế độ Xô viết. Người dân Nga khi ấy không thể tưởng tượng được biểu tượng này chỉ 20 năm sau lại gắn với sự hận thù khủng khiếp.

Chữ thập ngoặc trên đồng tiền Nga năm 1917 (trong khoanh vòng đỏ). Ảnh: Tư liệu.

Trước khi bọn Quốc xã làm ô uế biểu tượng cổ xưa này, dấu thập ngoặc/chữ vạn đã xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn trên các chiến đấu cơ của Latvia và Phần Lan (chắc chắn khi đó không có mối liên hệ với không quân Đức Quốc xã) hay trên phù hiệu của Sư đoàn Bộ binh số 45 của Mỹ, thậm chí trên các chai Coca-Cola hay chai bia Carlsberg.

Trong các năm trước Cách mạng Nga, dấu thập ngoặc còn xuất hiện trên các biểu tượng, quần áo, và đĩa ăn, cũng như trên các ô tô của triều đại Romanov. Thời cổ xưa, hình này còn có mặt trong nền văn hóa vùng Kavkaz. 

Trên đồng tiền lưu hành thời Xô viết

Và năm 1917, nước Nga Xô viết còn sử dụng biểu tượng này trên các đồng tiền Xô viết.

Khi Cách mạng tháng Hai của Nga năm 1917 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, một trong các quyết định đầu tiên của Chính phủ Lâm thời là in tiền mới. Chữ vạn có mặt trên các đồng tiền này.

Tuy nhiên đến tháng 11 năm đó, Cách mạng Bolshevik lại lật đổ Chính phủ Lâm thời nói trên. Trong bối cảnh Nội chiến Nga hỗn loạn sau đó, phe Bolshevik không có cả thời gian lẫn năng lực công nghệ để thiết kế và in tiền mới nên tiền của Chính phủ Lâm thời tiếp tục được sử dụng. Và như vậy, các tờ tiền mang hình chữ thập ngoặc được lưu thông trong gần 5 năm, tới tận năm 1922.

Phù hiệu dấu thập ngoặc trên quân phục Hồng quân Nga thuở đầu. Ảnh: Tư liệu.

Trong Hồng quân Liên Xô

Có thời điểm trong Nội chiến Nga, vào tháng 11/1919, tư lệnh mặt trận Đông Nam Vasiliy Shorin đã ra lệnh số 213 yêu cầu tất cả các sư đoàn Kalmyk (gồm những người theo đạo Phật) đeo các tấm phù hiệu có hình chữ thập ngoặc.

Chữ vạn ở đây được gọi trong tài liệu là lungta, một thuật ngữ trong Phật giáo, có nghĩa là “phong mã”, biểu tượng cho sinh khí con người.

Bị cấm

Chữ vạn/chữ thập ngoặc thường xuyên xuất hiện trong các tài liệu Xô viết vào thập niên 1920. Một số họa sĩ Xô viết thường sử dụng biểu tượng này trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, khi phe cực hữu Mỹ bắt đầu sử dụng hình ảnh này là biểu tượng thống nhất, thì chữ thập ngoặc dần không còn được sử dụng nhiều ở Liên Xô nữa.

Và đến năm 1933, khi đảng Quốc xã của trùm phát xít Hitler lên cầm quyền ở Đức, chữ thập ngoặc nhanh chóng mang ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực ở Liên Xô. Các tài liệu, sách vở, tác phẩm nghệ thuật và những thứ khác chứa đựng biểu tượng này hoặc bị tiêu hủy hoặc bị đưa đi cất trữ, tránh xa tầm mắt của công chúng. Sau đó, biểu tượng chữ thập ngoặc bắt đầu được sử dụng công khai hoàn toàn cho mục đích tuyên truyền chống phái xít./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên