Dự án đầy tham vọng với những ngôi nhà làm từ rác thải ở Pakistan
VOV.VN - Sáng kiến này đã nhanh chóng nhận được sự hợp tác từ các nhà máy xử lý rác ở địa phương.
Một nhà hoạt động vì môi trường ở Pakistan trong suốt nhiều năm qua đã tích cực theo đuổi việc vận động tái chế rác ở nước này. Đó là nữ doanh nhân Nargis Latif. Thành tựu lớn nhất của nữ doanh nhân này là dự án Gul Bahao phát triển kỹ thuật xây dựng nhà ở giá rẻ cho người nghèo ở Karachi từ rác thải.
Một ngôi nhà làm từ rác thải. Ảnh: Inhabitat |
Các cộng đồng dân cư ở Karachi - thành phố đông dân nhất Pakistan thường xuyên phải hứng chịu các vấn đề liên quan tới ô nhiễm rác thải, trong khi tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Phần lớn trong số 12 nghìn tấn rác thải được thải ra ngoài môi trường mỗi ngày là thuộc dạng không thể phân hủy được về mặt sinh học và được vứt bỏ chất đống ở các bãi rác hay đốt đi, gây tác động xấu tới môi trường. Hệ thống quản lý chất thải của thành phố cũng đang gặp không ít rắc rối.
Thị trưởng thành phố Karachi Waseem Akhtar lấy làm lo ngại trước thực trạng này: “Đó là một thách thức lớn và là bài toán khó mà chúng ta đang phải đối mặt liên quan đến vấn đề môi trường. 60% số rác này đổ xuống các cống nước, đi đến nhiều khu vực khác nhau trên khắp các đường phố. Nhiều cống nước bị tắc nghẽn vì rác thải. Hệ thống xử lý nước thải cũng đang trong tình trạng xuống cấp thảm hại”.
Dự án vì môi trường của bà Latif bắt đầu từ hơn hai chục năm về trước, xuất phát từ một cuộc tranh cãi vì chuyện đốt rác gần căn hộ của bà. Nữ doanh nhân này đã lập ra một tổ chức phi chính phủ có tên gọi Gul Bahao, chuyên thu gom rác thải thay vì để chúng bị bỏ đi.
Ý tưởng của bà Latif là tạo ra những ngôi nhà và đồ đạc từ rác thải của thành phố. Bà đã nhanh chóng xây dựng được một đội ngũ những người trẻ tuổi, chủ yếu là người nhặt rác, để giúp thu gom rác và bắt đầu hành trình của mình.
Sáng kiến của bà Latif cũng đã nhanh chóng nhận được sự hợp tác từ các nhà máy xử lý rác ở địa phương. Rác sau khi được thu gom, được ép lại thành khối như “gạch”, sử dụng làm vật liệu chính để xây nhà ở hay đồ nội thất như bàn ghế, tủ, giường… Tuy nhiên việc huy động nguồn quỹ dài lâu cho hoạt động của dự án Gul Bahao là một thách thức không hề nhỏ, khi bà phải tự bỏ tiền túi, thậm chí chật vật đi vay mượn để thực hiện ý tưởng táo bạo của mình.
Bà Latif nhớ lại: “Ban đầu gia đình tôi không hề ủng hộ dự án này vì nó tiêu tốn quá nhiều tiền của gia đình. Mà bản thân tôi vốn không thể kiếm tiền về cho chính gia đình mình. Tôi có ba đứa con, 2 đứa đã lớn, còn một đứa con gái thì vẫn còn khá nhỏ. Vì vậy ngay từ đầu, cha tôi cũng không ủng hộ dù ông rất yêu quý tôi. Và cuối cùng ông cũng không thể ngăn cản tôi theo đuổi dự án này”.
Dù gặp không ít khó khăn về kinh phí hoạt động và nay tuổi đã cao xong bà Latif vẫn đang không ngừng vận động người dân nâng cao nhận thức về vấn đề rác thải. Bà Latif quyết tâm theo đuổi đến cùng dự án đầy ý nghĩa của mình với hy vọng một ngày nào đó thành phố của bà trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.
Có thể nói, con đường bà Latif đã chọn vẫn đầy chông gai nhưng bà chưa bao giờ có ý định từ bỏ, mà còn quyết tâm cống hiến tâm sức cả đời mình cho việc nâng cao nhận thức của xã hội về việc tái chế và tái sử dụng rác thải công nghiệp một cách có ích./.