Giới khảo cổ tìm thấy hai thành phố mất tích trong rừng rậm Honduras
VOV.VN - Nhóm khảo cổ cho biết họ vừa đặt chân lên một vùng đất bị lãng quên ít nhất đã 600 năm và có thể đó "Thành phố đã mất của Thần Khỉ”.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hai thành phố mất tích nằm ở giữa rừng rậm Honduras với các vết tích của một chiếc kim tự tháp, các khu chợ/quảng trường và một số tác phẩm điêu khắc tinh xảo bằng đá hình dáng nửa người nửa báo.
Ông Christopher Fisher, trưởng đoàn thám hiểm Mỹ, đã nói với báo Guardian rằng đoàn thám hiểm/khảo cổ đã cùng với các nhà làm phim Bill Benenson và Steve Elkins, các nhà khảo cổ người Honduras, phóng viên Tạp chí National Geographic đặt chân lên vùng đất được cho là không bị tác động bởi con người ít nhất trong 600 năm qua.
Ông Fisher cho biết: "Ngay cả các loài động vật cũng hành động như thể chúng chưa nhìn thấy con người bao giờ. Những con khỉ nhện xuất hiện khắp mọi nơi. Chúng bám theo, gào thét và ném thức ăn vào chúng tôi".
Ông còn cho biết thêm: “Điều tuyệt vời nhất đối với tôi trong toàn bộ chuyến đi là chúng tôi được các loài vật ở đây đối xử như với loài linh trưởng, chứ không phải là một loài dã thú ăn thịt".
Ông Fisher và các thành viên trong đoàn đã tới thung lũng bằng trực thăng để vẽ bản đồ thực địa với công nghệ radar quang học (Lidar) – sử dụng một mạng lưới các tia hồng ngoại đủ mạnh, có thể xuyên qua các tán lá rừng rậm rạp để thu thập dữ liệu.
Dữ liệu thu về cho thấy thung lũng tìm kiếm là một cảnh quan nhân tạo như một thành phố. Ông Fisher cho biết thành phố này không chỉ có nhà ở, các khu chợ và các công trình kiến trúc, mà còn cho thấy rõ ràng chúng "giống như một khu vườn của người Anh, với những vườn cây ăn quả và vườn nhà, ruộng đất, các con đường và lối đi."
Trong thung lung này, đoàn thám hiểm/khảo cổ cho biết đã tìm thấy những viên đá cổ của hai thành phố cho thấy có một nền văn minh cổ, trái ngược với nền văn minh Maya. Vùng đất này có niên đại vào khoảng 1000 – 1400 năm sau Công nguyên và nó vẫn hầu như chưa được biết đến cũng như được khai quật. Ông Fisher cho biết, có khả năng các dịch bệnh bắt nguồn từ châu Âu là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của các nền văn hóa này.
Đoàn thám hiểm/khảo cổ đã phát hiện và tìm thấy 52 hiện vật lộ thiên. Ông Virgilio Paredes, Viện trưởng Viện Nhân học và Lịch sử Honduran (IHAH) nói rằng nơi đây đã từng tồn tại một nền văn minh khác biệt với nền văn minh Maya. Những hiện vật bao gồm một chiếc bát được chạm khắc rất tinh xảo và nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá có khắc hình người và đông vật nhô lên khỏi mặt đất.
Ông Fisher cho biết, thường thì một nhà khảo cổ học không cho những thành phố này là bằng chứng của một nền văn minh biến mất, mà ông cho rằng đây là bằng chứng của một nền văn hóa hoặc xã hội nào đó. Bởi vì cho đến nay, không ai biết bất cứ điều gì về nó cả.
Các nhà khảo cổ không được phép khai quật và chỉ có thể hy vọng sẽ làm điều này trong tương lai. Ông Fisher cho biết: "Vấn đề đối với công tác khảo cổ là cần có thời gian để có thể tiếp tục khám phá. Nếu chúng tôi làm việc tích cực, chúng tôi sẽ có thể có được nhiều thông tin hơn và cuộc thám hiểm lần này không giống như một số cuộc thám hiểm ở thế kỷ trước”.
Tuy phát hiện ra rất nhiều loài khỉ, nhưng rất khó để có thể khẳng định đây chính là "Thành phố bị mất của Thần Khỉ" như phát hiện mà một đoàn thám hiểm đã khám phá. Vào năm 1940, ông Theodore Morde – một thám hiểm người Mỹ đã đặt chân tới vùng rừng rậm của Honduras với hy vọng tìm kiếm dấu vết của "Thành phố trắng" huyền thoại trong câu chuyện của người dân Tây Ban Nha trong những thế kỉ trước. Sau nhiều tháng khám phá, ông Theodore Morde đã trở về cùng hàng trăm hiện vật cùng với các câu chuyện về người cổ đại tôn thờ Thần Khỉ.
“Ông Theodore Morde đã từ chối tiết lộ địa điểm chính xác của khu di tích do lo ngại sẽ có người tới đây cướp phá. Sau đó, ông Theodore Morde đã tự sát, và "Thành phố Trắng" – nếu nó thực sự tồn tại, sẽ không bao giờ được tìm thấy” – phóng viên Douglas Preston của Tạp chí National Geographic chia sẻ cùng với đoàn thám hiểm.
Ông Fisher nhấn mạnh rằng các nhà khảo cổ biết rất ít về xã hội cổ đại có liên quan đến nền văn minh Maya, và do đó sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu và khai quật tại vùng đất này. Các nhà khảo cổ gặp khó khăn do nguồn kinh phí nghiên cứu tài trợ từ các trường đại học ngày càng giảm; hiện nay, công tác này chủ yếu được tài trợ thông qua các tổ chức và cá nhân – cuộc thám hiểm lần này do hai nhà làm phim Benenson và Elkins tài trợ.
Ông Fisher cũng cho rằng công nghệ radar hồng ngoại (Lidar) được sử dụng để vẽ bản đồ mặt đất sẽ sớm phổ biến như phương pháp phóng xạ carbon: "Con người sau khi phát minh ra công nghệ tiên tiến, phải biết sử dụng chúng như thế nào”.
Ông Paredes và Fisher cũng cho biết, khu vực rừng nguyên sinh này đang gặp nguy vì gần ngay khu vực bị phá để xây dựng các trang trại nuôi bò, phục vụ cho các cửa hàng thức ăn nhanh. Nhu cầu của thế giới đã thúc đẩy ngành công nghiệp thịt bò tại Honduras phát triển.
Ông Fisher nói những thứ mà ông đã khám phá làm cho ông cảm thấy rất lo lắng: "Trong đầu tôi luôn hiện lên hình ảnh của những con khỉ chưa bao giờ được nhìn thấy con người. Nếu để mất tất cả chỉ vì một chiếc bánh Hamberger, thì chiếc bánh đó thực sự rất khó ăn”./.