Khám phá cuộc sống độc đáo của “Người biển” Thái Lan
VOV.VN - Salamak Klathalay, giống như hầu hết chúng ta, sống trong một ngôi nhà, trên đất liền. Nhưng đây là một trải nghiệm mới lạ đối với người đàn ông 78 tuổi này.
Salamak Klathalay là thành viên của nhóm dân tộc Moken. Đây là một nhóm sắc tộc ở Đông Nam Á, sống du mục - chèo thuyền, săn bắt và hái lượm giữa các hòn đảo thuộc Quần đảo Mergui, được cả Thái Lan và Myanmar tuyên bố chủ quyền. Trải qua nhiều thế kỷ, Moken là một trong số ít nhóm người sống chủ yếu trên biển, có khả năng nín thở lâu dưới nước và khả năng nhìn dưới nước được cho là tốt hơn bất kỳ nhóm, tộc người nào khác.
Lối sống độc đáo này đã đột ngột chấm dứt vào năm 2005, sau trận sóng thần năm 2004. Người Moken vẫn sống sót, thậm chí hoàn toàn không bị tổn thương sau thảm họa, dựa vào kinh nghiệm truyền thống tìm kiếm vùng đất cao hơn để tránh sóng. Tuy nhiên, trong nỗ lực đồng hóa người Moken vào nền văn hóa Thái Lan, Chính phủ nước này đã tiến hành di dời hơn 300 người Moken đến vùng đất kiên cố hơn, trong khu vực thuộc Vườn quốc gia Ko Surin, tỉnh Phang Nga, miền Nam Thái Lan.
Kể từ sau đó, người Moken đã ít nhiều thích nghi với cuộc sống tương đối hiện đại. Họ đã từng bước tạo dựng một ngôi làng với những căn nhà gỗ và tre đơn sơ, được trang bị các tấm pin mặt trời và nước sinh hoạt. Và lần đầu tiên, họ có được nguồn thu nhập thường xuyên từ việc làm du lịch.
Ngoey Klathalay - Trưởng làng cho biết: “Chúng tôi kiếm được tiền từ việc bán đồ lưu niệm cho khách du lịch hoặc dẫn các tour du lịch bằng thuyền”; “Trung bình mỗi ngày, có khoảng 100 du khách đến tham quan ngôi làng”.
Tuy vậy, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát từ đầu năm 2020, buộc Chính phủ Thái Lan phải đóng cửa đối với du lịch quốc tế, làm mất đi nguồn thu nhập hầu như duy nhất của người Moken.
Trong thời khắc đó, bản năng sinh tồn - chèo thuyền, săn bắt và hái lượm lại trỗi dậy mạnh mẽ trong người Moken. Hook Klathalay, anh trai của Ngoey, cho biết: “Tôi đã sống trên chiếc thuyền này được hai năm rồi”. Đối với Hook, sức hút của biển cả đã thôi thúc anh nhanh chóng quay trở lại cuộc sống Moken truyền thống.
Hook cùng con trai đã đóng một chiếc thuyền cùng các công cụ như lưới, móc câu, giáo ba ngạnh… và hàng ngày tiến hành các cuộc đi săn bắt ở nhiều vùng nước nông sâu khác nhau.
Hook nói: “Chỉ cần có một ít gạo, chúng tôi có thể kiếm được nhu yếu phẩm còn lại trong đại dương”. Hook cho biết thêm rằng áp lực của đại dịch Covid-19 đã khiến người Moken phải đánh giá lại cách sống của họ; nhiều người Moken đã nói với Hook rằng họ muốn sống trên một chiếc thuyền, trên đại dương.
Nhiều người Moken hiện cũng đang dần quay trở lại với cuộc sống săn bắt, hàng ngày đi thu thập những động vật có vỏ, động vật giáp xác và cá nhỏ thông qua những công cụ thô sơ như dao, giáo ba ngạnh…
Tuy vậy, biển không phải là nguồn thức ăn duy nhất của người Moken. Họ cũng đến các hòn đảo có nhiều cây cối để đào lấy củ mà họ gọi là “murung”. Luộc và bóc vỏ, củ “murung” có kết cấu và hương vị giống như “hạt dẻ nước”.
Ngoey cho biết: “Kể từ khi Covid-19 bùng phát, thu nhập của người Moken đã giảm, nhưng theo tôi là không nhiều; chúng tôi không tuyệt vọng, chúng tôi không chết đói. Trong một thời gian dài, chúng tôi không phụ thuộc vào du lịch, chúng tôi chỉ làm du lịch trong một vài năm. Nhưng chúng tôi sẽ luôn có biển”./.