Người dân Trung Quốc chi 29 tỷ USD cho thú cưng mỗi năm
VOV.VN - Người dân Trung Quốc chi khoảng 29 tỷ USD để chăm sóc thú cưng và coi chúng như con mình, trong khi tỷ lệ sinh tại quốc gia này đang giảm mạnh.
Vào một buổi chiều đầy nắng giữa tháng 10, Leia tận hưởng sinh nhật lần thứ 3 của mình với bàn tiệc gồm có thịt gà, thịt bò, cá hồi và một chiếc bánh sữa chua, tại nhà hàng trên cao ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Người dân Trung Quốc chiều chuộng thú cưng và coi chúng như con mình hoặc thành viên trong gia đình. Ảnh: EPA |
Leia là chú chó Phốc hươu giống Đức, một trong hàng triệu vật nuôi ở Trung Quốc được chủ nhân cưng chiều.
Xu hướng sở hữu và chi tiêu cho thú cưng đang gia tăng ở Trung Quốc mặc dù thị trường bán lẻ đang chậm lại tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tại Trung Quốc, xu hướng độc thân và không có con, thay vào đó là nuôi thú cưng, ngày càng trở nên thịnh hành. Theo một nghiên cứu trên Goumin.com, mạng xã hội Trung Quốc dành cho chủ vật nuôi, trong năm nay, người nuôi thú cưng chi khoảng 202 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 28,6 tỷ USD) để chăm sóc “những người bạn lông xù” của mình, tăng 19% so với năm 2018.
Theo thống kê của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm do người dân đã dành tình yêu thương và thời gian chăm sóc cho thú cưng. Trung Quốc là nước châu Á có số lượng chó và mèo lớn nhất thế giới, lên tới 188 triệu con, vượt qua Mỹ vào năm 2018.
Đây cũng là năm ghi nhận tỷ lệ sinh tại quốc gia này giảm mạnh.
Ước tính đến năm 2024, Trung Quốc có thể có tới 248 triệu thú cưng, so với con số 172 triệu tại Mỹ. Đây cũng là cơ hội phát triển cho các công ty sản xuất thức ăn vật nuôi trên toàn cầu như Mars Petcare US và Nestle Purina Petcare.
Tình yêu dành cho thú cưng trái ngược với hình ảnh mà phương Tây thường mô tả Trung Quốc là nơi nhân giống động vật hoặc bắt vật nuôi để ăn.
Số lượng vật nuôi tăng mạnh cũng cho thấy sự thay đổi chuẩn mực văn hóa tại Trung Quốc. Trước đây, vào những năm 1980, nuôi chó làm thú cưng là bất hợp pháp ở Bắc Kinh.
Theo kết quả khảo sát trên khắp các thành phố lớn tại Trung Quốc, khoảng một nửa số người sở hữu vật nuôi đều độc thân, 9 trên 10 người cho biết họ coi thú cưng của mình như con hoặc thành viên trong gia đình. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống còn 15 triệu trẻ em vào năm 2018, thấp nhất trong 6 thập kỷ vừa qua.
Một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sự bùng nổ thú cưng ở Trung Quốc sẽ gây tốn kém. Báo cáo tại địa phương tiết lộ rằng, hiện nay, các trang trại nuôi thú cưng không có giấy phép đăng ký và không có sự giám sát của cơ quan quản lý, làm phát sinh các vấn đề sức khỏe giữa các loài động vật.
Các công ty thức ăn cho vật nuôi cũng đang sử dụng nhiều thịt hơn trong sản phẩm để tiếp thị chúng ở mức cao cấp. Theo Giáo sư Gregory Okin của Đại học California Los Angeles, điều này góp phần tác động biến đổi khí hậu./.