Những truyền thống đón Năm mới độc đáo trên khắp thế giới
VOV.VN - Vào dịp năm mới, mỗi quốc gia lại có những phong tục khác nhau để cầu chúc những điều tốt đẹp trong đêm giao thừa.
1. Tây Ban Nha
Tiệc tùng và bắn pháo hoa là những cách phổ biến để chào đón năm mới trên toàn thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước ở Seville, Tây Ban Nha người dân ở đây là chọn cách đếm ngược tới thời khắc giao thừa – mười hai, mười một, mười… với từng qua nho để mang lại may mắn.
Người Tây Ban Nha đếm ngược tới giao thừa với từng qua nho. Ảnh: Getty |
2. Đan Mạch
Người Đan Mạch ném những chiếc đĩa và kính cũ vào cửa nhà của người thân và bạn bè với mong muốn xua đuổi những điều xui xẻo trong năm cũ. Họ cũng thường đứng từ trên ghế ngồi, sau đó nhảy xuống đất với hy vọng sẽ đạt được nhiều may mắn trong tháng đầu tiên của năm.
Người Đan Mạch ném những chiếc đĩa cũ vào cửa nhà của người thân và bạn bè để xua đuổi những điều xui xẻo. Ảnh: Pinterest |
3. Phần Lan
Ở Phần Lan, người dân dự đoán năm mới bằng một nét văn hóa độc đáo và thú vị. Họ sẽ đun thiếc nóng chảy và đổ vào những khuôn hình khác nhau. Hình trái tim hoặc chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu và đám cưới, một con tàu với điều ước được đi du lịch hay chú lợn với dự báo tới một năm mới no đủ.
Người Phần Lan dự đoán năm mới bằng khuôn hình bằng thiếc. Ảnh: Fodors Travel Guide |
4. Scotland
Giống như phong tục xông đất đầu năm ở Việt Nam, ở Scotland, người đầu tiên bước vào cửa nhà trong năm mới sẽ tặng chủ nhà một món quà tượng trưng cho sự may mắn. Trong không khí lễ hội, mọi người sẽ đốt lửa trại và làm những quả cầu lửa – biểu tượng của Mặt trời để xua đuổi những điều xui xẻo trong năm tới.
Trong không khí lễ hội, mọi người sẽ đốt lửa trại và làm những quả cầu lửa. Ảnh: Getty |
5. Philippines
Bạn sẽ tìm thấy những món đồ có hình tròn trên khắp Philippines vào đêm giao thừa bởi người dân nước này quan niệm hình tròn tượng trưng cho sự tròn trịa và đồng xu chính là biểu tượng cho sự thịnh vượng. Vào khoảnh khắc chuyển giao năm mới và năm cũ, nhiều người thường ăn 12 quả có hình tròn (thường là nho). Thậm chí, quần áo có hoạt tiết chấm bi cũng được ưa chuộng trong những ngày đầu năm mới.
Trang phục có hoạt tiết chấm bi được ưa chuộng trong những ngày đầu năm mới tại Philippines. Ảnh: Holiday Travel |
6. Các quốc gia châu Mỹ
Ở Brazil, Bolivia và Venezuela, để mang lại sự may mắn, người dân sẽ mặc đồ lót màu sắc sặc sỡ vào đêm giao thừa. Trong đó, màu đỏ với ý nghĩa sẽ mang lại tình yêu trong năm mới, màu vàng tượng trưng cho tiền bạc, sự giàu có. Người dân Colombia thì mang theo những chiếc vali rỗng đi vòng quanh khu nhà với hy vọng một năm mới tràn ngập những chuyến du lịch. Ở Chile, mọi người nắm những đồng xu trong tay hoặc đặt tiền ở cửa để hy vọng về một năm mới đủ đầy. Ở Ecuador, đàn ông có thể mang tóc giả, trang điểm đậm và mặc váy ngắn. Ở Argentina, dịp năm mới đúng vào mùa hè, như ở nhiều nước Nam Mỹ khác, vì vậy các gia đình thường đi biển.
Để mang lại sự may mắn, người dân sẽ mặc đồ lót màu sắc sặc sỡ vào đêm giao thừa. Ảnh: Fiveprime |
7. Hy Lạp
Theo truyền thống, một củ hành tây thường được treo trên cửa trước của những ngôi nhà tại Hy Lạp. Hình ảnh này mang ý nghĩa của sự tái sinh trong năm mới. Ngoài ra, vào ngày Tết, cha mẹ sẽ đánh thức con dậy bằng cách dùng hành tây gõ nhẹ vào đầu chúng.
Hành tây mang ý nghĩa của sự tái sinh trong năm mới. Ảnh: Insider |
8. Nhật Bản
Tại đất nước Mặt trời mọc, vào đêm giao thừa, mọi người sẽ chào đón vị thần Toshigami của năm mới, vị thần mang lại may mắn, sức khỏe và thịnh vượng.
Các ngôi chùa Phật giáo tại Nhật Bản sẽ rung chuông 108 lần vào đêm giao thừa. Ảnh: Pinterest |
Các ngôi chùa Phật giáo trên cả nước sẽ rung chuông 108 lần vào lúc nửa đêm. Tiếng chuông được cho là sẽ giúp xua tan điều tiêu cực trong tâm tính mỗi người./.
Bất ngờ với những phong tục “độc nhất vô nhị” trên thế giới