Phát hiện ngoại hành tinh có kích cỡ giống Trái Đất nằm cách 22 năm ánh sáng
VOV.VN - Cơ hội tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất đã đạt thêm một bước tiến sau khi NASA thông báo Kính thiên văn Hubble phát hiện ra một ngoại hành tinh có kích cỡ tương đương với Trái Đất nằm cách chúng ta 22 năm ánh sáng.
Nằm trong chòm sao Ba Giang, ngoại hành tinh LTT 1445Ac ban đầu dường như không mấy đặc biệt. Nó quay quanh LTT 1445A, một trong 3 sao lùn đỏ tạo thành hệ LTT 1445. Khi nó lần đầu tiên được Vệ tinh Nghiên cứu Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA phát hiện vào năm 2022, nó chỉ là một trong hàng nghìn ngoại hành tinh phổ biến những năm gần đây.
Sau đó, câu hỏi đặt ra là liệu LTT 1445Ac thực sự lớn như thế nào. Những hành tinh này thường được phát hiện khi chúng quá cảnh qua ngôi sao chủ, tức là đi qua trước ngôi sao đó. Khi điều này xảy ra, chúng khiến cho ánh sáng từ ngôi sao chủ mờ đi. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, các nhà thiên văn học không chỉ xác nhận được sự hiện diện của ngoại hành tinh mà còn suy ra quỹ đạo, kích cỡ cũng như các đặc điểm khác của nó.
Trong trường hợp của LTT 1445Ac, có một vài vấn đề. Nếu nó đi qua ngôi sao chủ một cách gọn ghẽ, có lẽ nó có kích cỡ bằng Trái Đất. Đây là điều khiến các nhà khoa học cảm thấy thú vị bởi nó thực sự gần với chúng ta. Mặt khác, nếu hành tinh này chỉ sượt qua bề mặt tròn của ngôi sao chủ thì có thể nó có kích cỡ của một "siêu sao Mộc" bởi một phần của của hành tinh sẽ che khuất bề mặt tròn này.
Điều đáng tiếc là TESS không thể giải quyết vấn đề trên do không có đủ độ phân giải. Để xử lý điều này, các nhà khoa học đã chuyển sang dùng Kính thiên văn Hubble có độ phân giải cao hơn nhiều.
Bằng cách phân tích dữ liệu của Hubble, các nhà nghiên cứu có thể xác định LTT 1445Ac quá cảnh qua ngôi sao chủ và có kích cỡ bằng 1,07 lần Trái Đất. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh là khoảng 260 độ C.
Tin tốt là LTT 1445Ac rất gần Trái Đất nên chúng ta có thể hiểu hơn về bầu khí quyển của nó cũng như có thêm những thông tin hữu ích trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài không gian.
"Các hành tinh quá cảnh rất thú vị bởi chúng ta có thể xác định các đặc điểm trong bầu khí quyển của nó qua quang phổ học, không chỉ với Hubble mà còn với Kính thiên văn James Webb", Emily Pass thuộc Trung tâm Phân tích Vật lý Vũ trụ Harvard–Smithsonian cho hay.