Phát hiện “quái vật đại dương" ở Thái Bình Dương

(VOV) - Các nhà khoa học Nhật Bản đã quay được hình ảnh con mực khổng lồ có chiều dài khoảng 8m ở độ sâu 630m dưới đáy biển.

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa công bố thước phim về một chú mực khổng lồ dài khoảng 8m sống ở vùng biển Thái Bình Dương.

Hình ảnh con mực do các nhà khoa học Nhật Bản công bố

 Tháng 7/2012, Viện Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản đã thành công trong việc ghi hình những sinh vật biển sâu ngay trong môi trường tự nhiên của chúng. Lần đầu tiên họ phối hợp với Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản và kênh Discovery của Mỹ khi phát hiện ra con mực dưới độ sâu 630m ở bắc Thái Bình Dương, cách đảo Chichi (Nhật Bản) khoảng 15km.

Các nhà khoa học đã sử dụng một chiếc tàu ngầm để đi theo những động vật thân mềm to lớn tới độ sâu khoảng 900m khi chúng bơi vào những vực thẳm đại dương. Sau đó Đài truyền hình NHK đã công chiếu đoạn phim về một sinh vật có màu bạc với đôi mắt đen khổng lồ đang bơi ngược dòng và dùng những chiếc râu để bắt mồi trong những vùng tối tăm ở sâu dưới đại dương.

Theo ông Kubodera, một chuyên gia về loài mực của Viện Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản, các sinh vật này dài khoảng 8m nếu tính cả chiều dài của những chiếc râu. Ồng cho biết thêm đây là đoạn video đầu tiên về một con mực khổng lồ đang sống trong môi trường tự nhiên của nó nơi có rất ít oxy.

Được biết ông Kobudera cũng là người thực hiện thước phim sống động đầu tiên về loài mực khổng lồ vào năm 2006, nhưng ông chỉ quay được hình ảnh lúc con mực mắc câu và được đưa lên thuyền.

Mực khổng lồ với tên khoa học “Architeuthis”, làm người ta liên tưởng đến “quái vật đại dương”, hắc tinh của loài người nhưng chưa được khám phá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên