Phát hiện tượng Vệ Nữ cực lạ hơn 2 vạn năm tuổi

Tượng được các nhà khảo cổ phát hiện tại khu vực khảo cổ thời Đồ đá cũ ở Renancourt, phía tây Amiens, miền bắc nước Pháp.

 Một bức tượng đá vôi 23.000 năm tuổi tạc hình một người phụ nữ với phần ngực và mông lớn đã được các nhà khảo cổ phát hiện tại khu vực khảo cổ thời Đồ đá cũ ở Renancourt, phía tây Amiens, miền bắc nước Pháp.

Nhóm khai quật đã tìm thấy một số mảnh vỡ đã vôi có vẻ như đã được tạo tác bởi bàn tay con người. Những mảnh đá sau đó được ghép lại với nhau, tạo thành hình tượng một người phụ nữ khớp với những đặc điểm của tượng "Vệ Nữ".

Bức tượng mang tên Vệ Nữ ở Renancourt, được các chuyên gia đánh giá là rất đặc biệt. Tại Pháp mới chỉ phát hiện 15 bức tượng tương tự, và đây là bức đầu tiên được phát hiện sau 50 năm.

"Hình dáng của bức tượng không thực tế lắm, cho thấy rằng mục đích tạc tượng là để tạo ra hình ảnh tượng trưng cho khả năng sinh sản," Clement Paris, nhà khảo cổ học đứng đầu cuộc khai quật cho biết.

Kết quả phân tích tuổi carbon cho thấy bức tượng có niên đại lên tới 23.000 năm tuổi. Bức tượng Vệ Nữ dài khoảng 12 cm, hình một người phụ nữ có phần ngực và mông lớn, phần đầu và chân tay kém chi tiết hơn.

Có khoảng 100 bức tượng tương tự đã được phát hiện ở châu Âu, chủ yếu là ở Nga và Trung Âu. Tượng Vệ Nữ thường được tạc từ xương, ngà voi hay các loại đá mềm như đá vôi, với hình dáng của một phụ nữ tròn trịa với ngực, mông, bụng, hông và đùi lớn, trong khi phần đầu thường nhỏ và không có mặt. 

Đã có nhiều nỗ lực nhằm giải thích tầm quan trọng của những bức tượng Vệ Nữ trong nền văn hóa tiền sử. Một số chuyên gia đoán rằng chúng là biểu tượng của sự an toàn, hay sự sinh sôi nảy nở.

Bức tượng Vệ Nữ cổ nhất có tuổi thọ ít nhất là 35.000 năm, mang tên “Tượng Vệ Nữ ở Hohle Fels” đã được phát hiện năm 2008 tại Đức.

Việc phát hiện một bức tượng Vệ Nữ ở miền bắc nước Pháp được coi là đặc biệt bởi hầu hết những bức tượng được tìm thấy tại đây đều thuộc khu vực phía tây nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên