Sự tàn khốc của Hagibis và tình người trong bão
VOV.VN - Tình người Nhật Bản lại một lần nữa bộc lộ trong thiên tai, trong sự tàn khốc của cơn bão Hagibis vừa quét qua đảo quốc này.
Từ khi có cảnh báo cơn bão Hagibis (Nhật Bản gọi là cơn bão số 19) xuất hiện trên biển Thái Bình Dương và khả năng sẽ đổ bộ vào Nhật Bản, trên gương mặt mỗi người dân Nhật Bản vẫn bình tĩnh, sẵn sàng đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt.
Sau khi bão đã đi qua, hậu quả để lại vẫn tàn khốc thế, và bóng dáng của người cha, người con Nhật Bản lại vẫn hiền hòa xúc bùn, bốc đất, chia nhau ngụm nước bắt đầu cuộc sống như nó đã vốn có.
Hậu quả bão Habigis. Ảnh: Time. |
Tàn khốc ngay khi chưa đổ bộ
Khoảng 19h tối 12/10, Hagibis đã đổ bộ vào tỉnh Shizuoka (tỉnh tiếp giáp với Tokyo) mang theo mưa to, gió lớn. Vận tốc gió lên tới 45-60m/s, lớn hơn cả cơn bão xảy ra năm 1958 với vận tốc gió trên 45-55m/s đã làm 1.200 người thiệt mạng. Lo ngại thiệt hại lớn bao trùm Nhật Bản.
Từ mấy ngày trước, các bản tin trên truyền hình, phát thanh, loa phường luôn phát đi những thông tin về cơn bão Hagibis. Sáng 12/10, Hagibis tiếp cận Nhật Bản. Các tỉnh như Shizuoka, Chiba có mưa lớn, nhiều khu vực ngập lụt. Hàng ngàn gia đình bị cắt điện. Khi bão chưa đổ bộ, ở Chiba đã có 1 người chết, 5 người bị thương. Các địa phương khác như Shizuoka đã có 1 người mất tích và hàng chục người khác bị thương. Mưa to vẫn tiếp tục trên diện rộng. Mực nước ở các con sông lớn, kênh rạch dâng cao, khiến một số tuyến đường, cây cầu bị ngập lụt. Cảnh báo sơ tán đã được phát ra tại nhiều khu vực.
Công ty điện lực của Nhật Bản liên tục ra thông báo cắt điện tạm thời. Hơn 13.000 hộ gia đình ở Tokyo, Saitama, Yamanashi, Tochigi, Kanagawa…bị mất điện ngay trong chiều 12/10.
Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản đã hủy tất cả các chuyến bay nội địa sử dụng sân bay Haneda và sân bay Narita ngày 12/10. Khoảng 370 chuyến bay sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Hãng hàng không Japan Airlines và hàng loạt hãng hàng không khác cũng hủy hàng trăm chuyến bay nội địa và quốc tế. Hàng trăm hành khách quốc tế phải qua đêm tại sân bay, chờ cho đến khi các chuyến bay vận hành trở lại.
Do ảnh hưởng của bão, Ban tổ chức Giải vô địch Bóng bầu dục Thế giới tại Nhật Bản thông báo hủy hai trận đấu vòng bảng giữa New Zealand và Italy tại thành phố Toyota, tỉnh Aichi và trận đấu giữa Anh và Pháp tại thành phố Yokohama. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giải vô địch Bóng bầu dục Thế giới có trận đấu bị hủy.
Các cửa hàng ăn, dịch vụ hầu như đóng cửa. Chỉ còn một số siêu thị hoạt động nhưng những mặt hàng như cá, thịt, rau tươi bị hạn chế do người tiêu dùng mua tích trữ. Nhiều khu hàng thực phẩm trống trơn.
Khoảng 19h ngày 12/10, Hagibis -cơn bão được cho là mạnh nhất trong năm đã tiến thẳng vào tỉnh Shizuoka (tỉnh giáp với Thủ đô Tokyo), mang theo mưa lớn, gió giật. Khu vực Kanto, Tokai đều đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất về mức nguy hiểm của bão.
Trong khi bão lớn đang đổ bộ, vào lúc 18h 22 phút (16h22 phút giờ Việt Nam), tại khu vực phía Nam tỉnh Chiba, một cơn động đất cấp độ 4 đã xảy ra đồng thời cả ở Tokyo. Cộng đồng người nước ngoài trong đó có Việt Nam bị rung trấn tinh thần. Trên Facebook nỗi sợ hãi tràn ngập bên cạnh những cảnh báo, thông báo lánh nạn.
Mưa to, gió giật, điện mất, đê vỡ, ngập lụt, con số người thương vong cứ dần tăng. Điện bị cắt trên diện rộng lan sang 22 tỉnh thành, tất cả các tuyến đường sắt ngừng hoạt động. Hoạt động hầu như chỉ âm thầm trong những ngôi nhà, hay những bóng dáng của những đội cứu hộ, cảnh sát. Hagibis như con khỉ khổng lồ vươn tay làm sập nhà, miệng gào rú mưa, gọi gió phì phì xuống Nhật Bản. Nhật Bản như người mẹ hiền trống đỡ không chút đớn đau và bất lực.
Tối 13/10, Hagibis sau một ngày một đêm quần thảo các tỉnh khu vực Kanto, Tokai Nhật Bản đã lùi lùi ra phía Biển. Bỏ lại sau nó là nhiều đập nước ở các tỉnh Ibaraki, Miyagi, Saitama, Kanagawa, Nagano… phải xả nước. 77 con sông tại các đặt trong tình trạng cảnh báo do lo ngại nước tiếp tục dâng.
Nhiều khu vực của tỉnh Saitama, Nagano, Tochigi, Fukushima, Yamanashi…đã bị ngập trắng do mưa lớn và vỡ đê. Nhà cửa của dân đa phần bị ngập tầng 1, nhiều nhà chung cư, khu dưỡng lão, bệnh viện, trường học… bị cô lập cần đến sự cứu trợ của máy bay trực thăng và đội cứu hộ. Một số khu vực do nước tràn cùng bùn lấp đã gây ách tắc giao thông và khó khăn cho các hộ gia đình trong sinh hoạt. Hai sân bay lớn là Haneda, Narita -nơi trung chuyển quan trọng của hàng không Nhật Bản phải hủy hơn 2000 chuyến bay nội địa và quốc tế.
Cho đến chiều 14/10, số người chết đã tăng lên con số 52, 18 người mất tích, 168 người bị thương tại 11 tỉnh thành. Khu vực có nhiều người chết và mất tích đó là tỉnh Fukushima với 16 người. Theo thống kê của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, khoảng 136,000 ngôi nhà bị vẫn đang trong tình trạng bị ngập, 700 ngôi nhà bị sập một nửa hoặc một phần. Hàng trăm hộ gia đình vẫn chưa có điện. 38000 người vẫn phải sơ tán, trong đó tỉnh Saitama nhiều nhất với hơn 10.000 người. Hơn 4.330.000 người bị ảnh hưởng do các tuyến đường sắt vận hành tuyến hoặc giảm chuyến.
Bà Asano Kazuko sống ở thành phố Utsunomia, tỉnh Tochigi nói rằng đây là lần đầu tiên trong đời bà chứng kiến một cơn bão lớn như vậy đổ bộ vào Nhật Bản. Bà cho biết khu vực bà sống bị lụt từ hôm 12/10 đến nay nước vẫn dâng cao. Nhà bà tuy ở trên cao không bị ngập nhưng lương thực thì đã gần hết. Do nhà chỉ có hai người già nên cũng chưa dám đi ra ngoài để mua hàng, do đó sinh hoạt rất khó khăn.
Còn ông Toshihiko Takao sống ở Saitama nói: “Nhà tôi sập mất rồi. Tôi chỉ sống có một mình mà tuổi đã già rồi. Tôi thực sự đã mất hết rồi”.
Tình người trong bão
Vốn thường xuyên ứng phó với thiên tai, dường như mỗi người Nhật Bản đều có vốn kiến thức và sự bình tĩnh đến kỳ lạ ngay cả trong những lúc “thập tử nhất sinh”.
Trên kệ hàng của nhiều siêu thị hàng hóa chống trơn. Một bà mẹ dắt một em bé đi mua hàng. Hình như em bé thích ăn thịt, bởi vào siêu thị mẹ bé đến thẳng gian bán thịt. Không còn một khay thịt nào. Rẽ qua quầy rau cũng không còn rau, chỉ còn hai ba bó hành. Phía trước có ông cụ 90 vừa lấy được 1 bó rau cuối cùng. Ông lê bước rẽ qua quầy mì bắt gặp hai mẹ con. Họ nói gì đó, rồi ông cụ đặt bó rau vào giỏ hàng của mẹ bé. Em bé vẫy tay với ông cụ. Quầy mì cũng chẳng gói nào. Ông rẽ qua quầy bánh.
Có lẽ phải đến 30 người xếp hàng đợi thanh toán. Ngoài trời mưa nặng hạt, gió rít ầm ầm. Cuối hàng có vài cụ già chống gậy, nhưng không ai chen lấn, nhẫn nại xếp hàng. Nụ cười của cô nhân viên thanh toán vẫn vang giòn.
Bão tan, ngay trong đêm, Chính phủ Nhật Bản đã phái 27.000 người là cảnh sát, lực lượng phòng vệ đến 22 địa phương có bão đổ bộ giúp đỡ dân. Các Hãng điện thoại lớn của Nhật Bản như NTT, KDDI, Softbank đã mở dịch vụ Wifi không dây cung cấp miễn phí cho người dân. Hàng loạt các điểm phát nước và đồ ăn miễn phí được nhiều tổ chức tiến hành.
Một chiếc tàu của Panama bị đắm khu vực cảng Tokyo vào đêm 12/10, mang theo 12 thuyền viên người Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam. Tàu đã được Lực lượng bờ biển Nhật Bản cứu hộ, nhưng đáng tiếc 1 thuyền viên của Việt Nam vẫn đang mất tích. Anh Phạm Văn Đức, thuyền viên được cứu sống và đang phục hồi dần.
Tại các tỉnh Saitama, Yamanashi, Ibaraki, Nagano, Fukushima…tình trạng lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng. Số người chết vẫn tiếp tục tăng. Nhiều nhà dưỡng lão không có điện và nước, thực phẩm hạn chế do bị cô lập. Nhưng điều đó không làm cho người dân Nhật Bản sợ hãi. Họ vẫn cười vui, cần mẫn dọn dẹp. Có lẽ tinh thần ấy được mài rũa từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên và anh hùng từ người võ sĩ Samurai và hồn thiêng Nhật Bản. Thiên nhiên tàn bạo bao nhiêu, con người càng bền bỉ và bình tĩnh bấy nhiêu./. Nhật Bản đối mặt với việc xử lý hàng triệu tấn rác sau bão Hagibis
Số người chết vì bão Hagibis ở Nhật Bản tăng lên 75