'Thợ săn thận' ở Philippines
Reyna đang làm "thợ săn thận", chuyên lùng sục khắp các khu dân cư nghèo khổ ở thủ đô Manila để tìm kiếm những người hiến tạng.
Reyna trở về nhà với vẻ mặt mệt mỏi vì vừa trải qua một ngày dài tại Bệnh viện Đa khoa Philippines cùng hai người hiến tạng tiềm năng.
Thận của những người này có thể cứu tính mạng một ai đó. Reyna cũng có thể được nhận một số tiền hoa hồng nhỏ. Reyna đang làm "thợ săn thận", chuyên lùng sục khắp các khu dân cư nghèo khổ ở thủ đô Manila để tìm kiếm những người hiến tạng.
Việc cô làm là bất hợp pháp. Theo luật pháp Philippines, hành động của Reyna cấu thành tội buôn người lấy nội tạng với khung hình phạt lên tới 20 năm tù và phạt tiền rất nặng. Tuy nhiên, cuộc sống nghèo khổ buộc Reyna phải dấn thân, bất chấp nguy cơ phải ngồi sau song sắt.
Vết sẹo dài trên cơ thể Danilo sau ca phẫu thuật hiến thận cho một người nhận đến từ Canada hồi năm 2002. Ảnh:Channel News Asia. |
Reyna làm việc chủ yếu để kiếm hoa hồng. Cô tìm những người hiến tạng tiềm năng, hướng dẫn họ thực hiện các cuộc kiểm tra y tế nếu có đơn hàng. Mỗi lần đưa được một người tới kiểm tra sức khỏe, cô nhận 500 peso, tương đương một USD. Các ứng viên phải vượt qua hàng loạt cuộc kiểm tra, chụp chiếu trước khi tiến hành bất kỳ ca cấy ghép nào. Quá trình có thể kéo dài tới một năm, mang lại cho Reyna cơ hội kiếm tiền dồi dào.
Phần thưởng đủ hấp dẫn để lôi kéo Reyna đi vào thế giới buôn bán nội tạng phi pháp ở Philippines vốn đã âm thầm phát triển suốt hàng thập kỷ qua mà con mối chủ yếu là những người nghèo khổ, dễ bị tổn thương ở tầng đáy xã hội.
"Chính phủ không thể ngăn chặn nó" Reyna nói với phóng viên Channel News Asia bên trong ngôi nhà xiêu vẹo của cô tại một trong những khu ổ chuột tồi tàn nhất Manila.
Đơn hàng mới nhất của Reyna đến từ một công chức nhà nước nghỉ hưu bị tổn thương thận tiến triển. Ông sống bằng lọc máu và sẵn sàng trả 120.000 peso (2.300 USD) cho một quả thận khỏe mạnh từ người hiến còn sống.
"Thật không công bằng nếu tôi không thể giúp đỡ một người đồng hương đang rất cần một người hiến tạng", cô nói.
Philippines nổi tiếng là điểm nóng toàn cầu về buôn bán nội tạng. Năm 2007, họ xuất hiện trong một danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liệt kê các quốc gia xuất khẩu nội tạng người đáng chú ý, bên cạnh Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập và Colombia.
Philippines sau đó ban hành một bộ luật chống buôn người nghiêm ngặt hơn vào năm 2009. Động thái này góp phần làm giảm tỷ lệ ghép tạng từ người hiến tặng còn sống, theo WHO. Xu hướng trên cũng bị ảnh hưởng bởi những quy định chặt chẽ hơn tại các bệnh viện.
Dù chính phủ Philippines đã khiến giới buôn bán nội tạng gặp khó khăn hơn trong việc khai thác những người nghèo đói, yếu thế, họ chưa thể xóa sổ hoàn toàn hoạt động buôn bán nội tạng ở thế giới ngầm. Hiện tại, hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp đang được Hội đồng Liên ngành chống Buôn bán Nội tạng (IACAT) thuộc Bộ Tư Pháp giám sát.
"Năm 2019, IACAT đã phát hiện 51 vụ buôn bán nội tạng", Phó giám đốc điều hành IACAT Yvette T Coronel cho biết. Tuy nhiên, tất cả các vụ mới chỉ được lưu trữ bởi chưa ai trong số các bị cáo hoặc thủ phạm bị bắt. "Cơ quan thực thi pháp luật gặp trở ngại bởi thực tế là không có nhiều người khiếu nại về các vụ buôn bán nội tạng. Nạn nhân trong các đường dây buôn bán nội tạng cũng không sẵn sàng ra mặt", bà nói.
Hiến tặng nội tạng sẽ được coi là hợp pháp ở Philippines với điều kiện người hiến và người nhận phải có quan hệ ruột thịt, phạm vi bao gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, ông bà, cháu gái, cháu trai.
Chính phủ Philippines cho phép cả việc hiến tạng giữa những người không phải họ hàng. Tuy nhiên, người hiến tạng phải chứng minh họ có quan hệ tình cảm sâu sắc với người nhận và hành động của họ xuất phát từ lòng vị tha. Chẳng hạn, một ngươi bạn trai lâu năm có thể hiến thận cho bạn gái mình. Đồng nghiệp đã làm việc cùng nhau 10 năm cũng đủ điều kiện để hiến tạng.
Nếu không có mối liên kết về tình cảm, cảm xúc, việc hiến tạng giữa những người không phải họ hàng là bất hợp pháp. Dù vậy, các hoạt động như vậy vẫn tiếp diễn tại những bệnh viện ở Philippines khi mà việc hiến tạng đã bị thương mại hóa rộng rãi. Mọi giao dịch được thực hiện trên một thị trường ngầm mà từ lâu đã trở thành "bí mật ai cũng biết".
Dựa trên các quảng cáo trên mạng, giá mua một quả thận có thể lên tới 500.000 peso (9.700 USD). Giá bình thường rơi vào khoảng 200.000 peso - 300.000 peso (3.900 USD - 5.800 USD). Người nhận tạng phải chịu chi phí ăn uống và đi lại cho ứng viên hiến tạng cùng người môi giới trong quá trình kiểm tra y tế.
Buôn bán nội tạng là một tội phạm có tổ chức ở Philippines và liên quan đến nhiều bên khác nhau. Nó được thúc đẩy bởi tình trạng nghèo đói lan rộng cùng sự gia tăng nhanh chóng số lượng bệnh nhân mắc bệnh thận. Năm 2016, có 21.535 bệnh nhân Philippines phải lọc máu vì suy thận, tăng từ 9.716 ca năm 2010.
Những người cần ghép thận phần lớn là các bệnh nhân bị suy thận mạn tính và phải sống nhờ máy lọc máu. Theo bác sĩ Benita Padilla từ Viện Thận và Cấy ghép Nội tạng Quốc gia ở Manila, hiện có khoảng 40.000 bệnh nhân phải chạy thận trên cả nước Philippines nhưng chỉ 500 người có khả năng tìm thấy thận phù hợp và đủ sức trang trải chi phí ghép tạng. Chi phí một cuộc phẫu thuật ghép tạng dao động từ 600.000 peso tới một triệu peso (11.650 USD - 19.400 USD).
Với các bệnh nhân giàu có, tiền không phải vấn đề. Mối lo âu lớn nhất của họ là danh sách chờ đợi những quả thận được hiến hợp pháp quá dài và thực tế đau lòng rằng họ có thể phải dành phần đời còn lại sống nhờ máy chạy thận.
Tâm lý tuyệt vọng đã đẩy rất nhiều bệnh nhân thận vào con đường buôn bán nội tạng. Ước tính, ít nhất 10.000 quả thận được bán trên thế giới mỗi năm, theo Organ Watch, một tổ chức có trụ sở ở Mỹ chuyên theo dõi hoạt động buôn bán nội tạng người toàn cầu.
Tại Philippines, người mua gồm cả người Philippines lẫn người nước ngoài mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Họ thường thuê các đầu mối giúp tìm kiếm người hiến tặng, giả mạo mối quan hệ cùng những tài liệu liên quan nhằm đánh lừa cơ quan thực thi pháp luật và chuyên gia y tế.
Các đầu mối sau đó liên lạc với những "thợ săn thận" như Reyna, vốn là người gốc Philippines sống tại các cộng đồng nghèo khó với nhiều mối quan hệ xã hội. Mục tiêu của họ là những người yếu thế đang gặp khó khăn tài chính. Họ dễ bị lôi kéo bán nội tạng.
"Không người giàu có hay tâm trí bình thường nào sẵn sàng hiến tạng và các đầu mối biết điều này. Đấy là lý do họ luôn tìm những người hiến tạng tiềm năng tại các khu vực nghèo khó", Reyna nói. "Động lực chính khiến người ta đồng ý hiến tạng nằm ở ước mơ. Họ muốn mua một ngôi nhà, một chiếc ôtô hay một chiếc xe ba bánh để chở khách, kiếm một sinh kế ổn định".
Một khu ổ chuột ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh:Channel News Asia. |
Đây là tình cảnh mà Danilo hiểu rõ hơn cả. Ngày 3/7/2002, người cha hai con bước vào phòng phẫu thuật tại Bệnh viện St Luke ở Manila để lấy một quả thận của mình hiến cho người nhận đến từ Canada. Cả hai không có quan hệ huyết thống và không quen biết nhau.
"Tôi không lo sợ gì bởi tôi chỉ nghĩ tới các con mình. Tôi muốn cho vợ con tôi một ngôi nhà. Mọi thứ tôi nghĩ đến là gia đình", Danilo chia sẻ.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 6 tiếng. Danilo bán thận với giá 115.000 peso (2.200 USD) nhưng cuối cùng chỉ nhận được 85.000 peso (1.650 USD) sau khi đầu mối trừ tiền hoa hồng. Ông dùng toàn bộ số tiền mua một ngôi nhà tại một khu ổ chuột ở Manila. 9 tháng sau, một vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà của Danilo.
"Tôi suy sụp... nhưng chẳng thể làm gì ngoài chấp nhận số phận", ông nói.
17 năm sau cuộc phẫu thuật ghép tạng, Danilo không có nhiều thay đổi. Ông vẫn nghèo và vẫn sống trong khu ổ chuột cùng vợ và 5 người con. Nơi ở của Danilo trông không giống nhà, nó tối tăm, ngột ngạt và chật chội, tượng trưng cho những khó khăn, khốn khổ mà Danilo đã phải trải qua suốt cuộc đời mình.
"Tôi biết việc mình bán thận là bất hợp pháp nhưng điều duy nhất quan trọng với những người hiến tạng như chúng tôi là chúng tôi có thể cứu người khác và cứu chính mình. Số tiền tôi nhận được thực sự hữu ích, đặc biệt khi chúng tôi không có công việc ổn định", Danilo chia sẻ. "Cuộc sống thật tuyệt khi chúng tôi có tiền. Tiền mua thức ăn và đồ chơi cho bọn trẻ".
Như bao người hiến tạng xung quanh, Danilo hy sinh sức khỏe của mình để cứu sống người khác. Chỉ còn một quả thận, Danilo rất dễ mệt. Trước đây, ông thường làm việc nhiều ngày liên tiếp nhưng hiện tại, cơ thể ông không thể chịu đựng lâu hơn hai ngày. Ông không thể bỏ bữa, nếu không Danilo sẽ phải chịu những cơn đau khủng khiếp. Bê vật nặng giờ đây cũng trở thành thách thức lớn với ông.
Danilo cho hay nếu có thể trở về quá khứ, ông sẽ không bán thận. "Tôi thà làm việc không ngừng nghỉ còn hơn là rơi vào cảnh dễ mệt mỏi như bây giờ", ông nói.
Nhiều người không nhận thức được tác dụng phụ của việc hiến tạng. Theo Nancy Scheper-Hughes từ tổ chức Organs Watch, một số thanh thiếu niên ở khu ổ chuột Manila thậm chí còn được những người môi giới hướng dẫn giả mạo danh tính và khai tăng tuổi để hiến tạng.
Reyna bắt đầu làm nghề săn thận từ người hiến tạng còn sống sau khi chồng cô bán một quả thận của mình. Cô đã dành nhiều năm xây dựng liên lạc với những người môi giới, người mua hàng và người bán tiềm năng khắp vùng đô thị Manila. Đôi khi, những người tuyệt vọng tự tìm đến cô. Họ muốn được bán thận.
"Tôi thường tới các khu dân cư, hỏi mọi người xem họ có muốn hiến tạng với giá hợp lý không. Một số người ban đầu sợ hãi. Nhưng tôi kể với họ rằng chồng tôi từng bán thận và anh vẫn khỏe mạnh sau từng ấy năm, lúc đó, họ sẽ bớt lo lắng", Reyna nói.
Nhằm ngăn chặn tình trạng thương mại hóa hoạt động cấy ghép nội tạng, chính phủ Philippines năm 2002 thành lập Ủy ban Đạo đức Cấy ghép Nội tạng Quốc gia. Công việc của họ là đảm bảo việc cấy ghép tại 18 cơ sở được công nhận trên cả nước diễn ra hợp pháp và không có bất cứ giao dịch thương mại nào.
Ủy ban có nhiệm vụ phỏng vấn các ứng viên hiến tạng và người nhận nhằm xác nhận mối quan hệ giữa họ. Nếu nghi ngờ, họ sẽ từ chối yêu cầu cấy ghép. Nhưng ngay cả những đánh giá kỹ lưỡng không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng.
"Ủy ban Đạo đức có thành công 100% không? Tôi không dám chắc", bác sĩ Padilla nói. "Những người môi giới nội tạng hiểu rõ chúng tôi đang tìm kiếm điều gì. Họ biết chúng tôi muốn các câu trả lời như "Tôi không bán. Tôi chỉ muốn hiến thận xuất phát từ lòng thương người'. Vì thế, họ sẽ hướng dẫn người hiến tạng tiềm năng cách trả lời sao cho chính xác".
Nhà chức trách hy vọng các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp chấm dứt nạn buôn bán nội tạng và ngăn chặn những kẻ buôn bán lợi dụng bệnh nhân thận và người nghèo Philippines. Nhưng trong lúc đó, các thợ săn thận như Reyna vẫn tiếp tục lùng sục những người hiến tiềm năng ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các ứng viên không có mối quan hệ ruột thịt vẫn tiếp tục kể những câu chuyện lọt tai Hội đồng Đạo đức, rằng họ là thành viên trong gia đình, bạn bè lâu năm của người nhận.
"Sau hàng loạt cuộc kiểm tra, họ phải trải qua một số cuộc phỏng vấn với mục sư, bác sĩ, nhân viên xã hội và nhà tâm lý. Họ có thể nói rằng họ thực sự muốn giúp đỡ các bệnh nhân. Nhưng nếu họ quyết định không hiến thận, không ai ép buộc họ được", Reyna nhấn mạnh. "Với người hiến, đây là lựa chọn duy nhất giúp họ kiếm tiền"./.
Cụ bà có nội tạng đặt lộn chỗ ở nhiều vị trí vẫn sống đến 99 tuổi