Tích hợp phương thức vận tải giúp Jakarta (Indonesia) đạt giải Giao thông bền vững
VOV.VN - Thủ đô Jakarta của Indonesia đã đánh bại các thành phố lớn trên thế giới, trở thành thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á giành giải thường Giao thông bền vững năm 2021. Vì sao thành phố vốn nổi tiếng với vấn nạn tắc đường lại đạt được thành tích đáng khích lệ như vậy?
Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố Jakarta đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi mô hình quy hoạch đô thị. Tháng 11/2019, Cơ quan quản lý giao thông vận tải Jakarta đánh giá cần có một mô hình quy hoạch giao thông vận tải mới tập trung vào khía cạnh con người, ưu tiên chất lượng cuộc sống người dân, giúp phục hồi kinh tế, công bằng xã hội, trong đó tính bền vững và môi trường cần phải được chú trọng.
Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý giao thông vận tải Jakarta, mỗi năm thủ đô với 10 triệu dân này chịu tổn thất khoảng 67.000 tỷ Rupiah do tắc đường. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống giao thông vận tải đa chức năng, tích hợp và bổ sung là rất cấp thiết. “Kế hoạch giao thông vận tải Jabodetabek” của chính phủ Indonesia cho đến năm 2029 đã đặt mục tiêu đạt 60% số người dân khu vực Jakarta di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Để đạt được mục tiêu này, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp để xây dựng hệ thống giao thông vận tải đa chức năng, giữa các lĩnh vực và khuyến khích công chúng sử dụng phương tiện công cộng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đổi mới tích hợp phương thức vận tải
Có hai chính sách đổi mới giao thông mà thủ đô Jakarta đã thực hiện bao gồm xây dựng hạ tầng thân thiện với người đi xe đạp, người đi bộ và tích hợp hệ thống giao thông công cộng.
Việc xây dựng hạ tầng thân thiện với người đi xe đạp và người đi bộ bắt đầu bằng việc xây dựng tuyến đường cho người đi bộ, hệ thống cầu qua đường, mở rộng vỉa hè và khôi phục các trạm dừng xe buýt.
Năm 2020, Jakarta dành kinh phí 1.000 tỷ Rupiah để xây dựng 97km vỉa hè thông minh dành cho người đi bộ, tăng 40% so với năm trước đó. Hơn 60km đường dành cho xe đạp có rào chắn bảo vệ cũng được xây dựng, mục tiêu xây dựng 500 Km đường xe đạp đến năm 2022.
Chính quyền thành phố Jakarta cũng đã thay đổi chức năng của Đường hầm Kendal thành khu vực dành riêng cho người đi bộ để kết nối các ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm, ga tàu sân bay và bến xe buýt. Đồng thời, xây dựng hệ thống cầu đi bộ kết nối đến các trạm dừng xe buýt giúp người dân qua đường và đi vào các trạm dừng thuận tiện hơn.
Tiếp đó, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chính quyền thành phố đã tích hợp các phương thức giao thông vận tải khác nhau thông qua hệ thống “Jak Lingo”. Đây là hệ thống tích hợp thanh toán và kết nối các phương thức giao thông công cộng ở Jakarta, từ hệ thống xe buýt nội đô TransJakarta, hệ thống tàu điện ngầm hạng nhẹ (LRT), hệ thống đường sắt đô thị (KRL) cho đến tàu điện ngầm (MRT).
Theo số liệu thống kê, trước đại dịch, chỉ riêng số lượng người đăng ký TransJakarta đã đạt mức kỷ lục 1 triệu người mỗi ngày vào tháng 2 năm 2020. Điều này cho thấy các phương tiện giao thông công cộng của Jakarta ngày càng được người dân tin dung.
Để hạn chế phương tiện cá nhân, chính quyền thành phố thay đổi chức năng của các khu đỗ xe thành công viên tích hợp các nền kinh tế sáng tạo. Đồng thời, chính quyền xây dựng hệ thống xe đạp miễn phí trên các tuyến đường dành cho người dân di chuyển trong nội đô.
Ngoài ra, thành phố Jakarta cũng đang phát triển hệ thống xe buýt điện thân thiện với môi trường vào năm 2030.
Những nỗ lực trên không chỉ giúp thành phố Jakarta đạt giải thưởng giao thông bền vững 2021 của Viện Chính sách Phát triển và Giao thông (ITDP) có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, mà còn minh chứng cho các cam kết, ý chí chính trị và tầm nhìn trong các lĩnh vực giao thông vận tải và phát triển đô thị bền vững của thủ đô Jakarta./.
Một số hình ảnh nữa: