Tranh cãi về việc có hay không chuyện quấy rối tình dục ở Nga
VOV.VN - Người dân Nga vẫn đang tranh cãi là có hay không có nạn quấy rối tình dục ở nước này. Và luật pháp Nga vẫn chưa có khái niệm pháp lý về chuyện này.
Ở Nga liệu bạn có thể cảm thấy an toàn khi xuống phố, lên tàu điện ngầm hay uống rượu tại quán bar khi bạn là người nữ hoặc người nam duy nhất? Và liệu bạn có kỳ vọng đồng nghiệp hoặc sếp của bạn sẽ coi trọng danh tiếng của họ hơn là ham muốn sa đà vào những lời tán tỉnh ong bướm?
Hầu hết người Nga mới chỉ nghe đến từ “quấy rối” [tình dục] lần đầu tiên, tuy nhiên họ đã trải qua hiện tượng này ít nhiều. Có nhiều lý do đằng sau chuyện này.
(Ảnh minh họa của Getty) |
Quấy rối nhưng không hề hấn gì
Theo nữ nhà báo Đài Libery là Darya Komarova, đạo diễn điện ảnh Nga nổi tiếng Stanislav Govorukhin đã nói với cô: “Hãy ngủ với tôi, còn không thì không có phỏng vấn gì hết nhé”.
Đó là vào tháng 3/2018. Và việc Komarova tiết lộ điều này không có hậu quả gì cả. Một thời gian sau, nhà đạo diễn cao tuổi qua đời vì bệnh và bê bối sex này nhanh chóng bị lãng quên và không ai đề cập đến nó nữa.
Còn tổng biên tập của tạp chí tự do Meduza, Ivan Kolpakov, thì mạnh miệng nói: “Cô là người duy nhất tại bữa tiệc này mà tôi có thể quấy rối mà chẳng sao cả”. Khi ấy, Kolpakov đã say túy lúy tại một bữa tiệc ở văn phòng và bắt đầu lả lơi với vợ một đồng nghiệp.
Thế là Kolpakov bị tạm đình chỉ chức vụ. (Chỉ vài tháng trước đó, website Meduza đã tẩy chay hạ viện Nga để phản đối hạ nghị sĩ Leonid Slutsky, người bị một số nhà báo tố cáo là quấy rối phụ nữ.) Nhưng cũng chỉ có vậy. Hội đồng quản trị của Meduza không thấy có lý do gì để sa thải vị tổng biên tập cả.
Về phía nghị viện Nga, họ cũng bác bỏ cáo buộc về chuyện nghị sĩ Slutsky quấy rối tình dục.
Thời gian qua ở Nga đã xuất hiện hàng chục vụ việc đình đám về cáo buộc quấy rối và lạm dụng [tình dục] và có hàng trăm ngàn câu chuyện mà người Nga kể trên mạng xã hội trong phong trào #MeToo (phong trào công khai tố cáo tệ quấy rối tình dục, khởi phát ở Mỹ) về những điều sỉ nhục ở nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng, trên phố, trong thang máy và những nơi khác.
Những câu chuyện này đã lập tức tạo ra 2 phe: Nhóm những người gọi đây là “vấn đề nghiêm trọng”, và nhóm những người coi đó chỉ là trò đùa cợt của những nhà nữ quyền.
Không phản đối mạnh chỉ vì ngượng
Hôm ấy, hệ thống tàu điện ngầm (metro) đang rất đông trong giờ cao điểm. Trên một toa tàu như thế, nữ sinh viên đại học ở Moscow, cô Yekaterina Andreyeva, có thể cảm nhận rất rõ một nam giới phía sau có hành động khiếm nhã với cô. Cô gái trở nên lo lắng. Một nam giới khác, nhiều tuổi hơn hẳn, chứng kiến những gì đang diễn ra. Nhưng ông ta chỉ nhe răng cười với cô và nói: “Chúng ta đang được cưng chiều phải không?”
Yekaterina kể với Russia Beyond: “Sau đó, mọi người đứng cạnh đó bắt đầu nhìn chằm chằm vào tôi”. Chẳng ai nói một lời với 2 người đàn ông đó. Yekaterina giờ đã 32 tuổi. Trong 15 năm qua, có nhiều lần những gã đàn ông lại cố tình động chạm vào người cô vào giờ cao điểm buổi sáng hoặc tối. “Tôi quá bối rối nên không cất lên được lời nào để tự vệ cả” – Yekaterina tâm sự. Cô vẫn cố gắng hạn chế sử dụng giao thông công cộng ở mức có thể.
Đa số nạn nhân quấy rối có tâm lý ngượng ngùng xấu hổ. Tâm lý này khiến họ không dám lên tiếng, đồng thời sản sinh trong họ phức cảm tự ti kéo dài nhiều năm liền.
Tại nơi làm việc đầu tiên của Yekaterina, gã quản lý của cô thường xuyên tự cho mình quyền lạm dụng cô bằng ngôn từ kiểu như khen cô có “bộ ngực vun cao và vòng eo thon thả”. Tuy nhiên tất cả những lời lẽ này đều bị coi là nói đùa và xuất hiện khi có mặt các đồng nghiệp khác và do vậy không vấp phải sự lên án dù là nhỏ nhất từ những người đó. Về phần mình, Yekaterina lại một lần nữa im lặng.
Quấy rối chưa phải là tội hình sự
Luật sư Roman Stepovoy ở Moscow tin rằng chuyện quấy rối có tồn tại ở Nga nhưng nó không trên quy mô toàn quốc.
Đã vậy, trong luật pháp Nga không có quy định về tội quấy rối. Mục liên quan nhất trong Bộ luật Hình sự của Nga là “cưỡng ép theo hành động mang bản chất tình dục”.
(Ảnh minh họa của Getty) |
Tương tự là chuyện lạm dụng. Luật sư Stepovoy nói: “Lạm dụng được xem là phạm trù tâm lý. Lạm dụng không được biết đến trong hệ thống pháp luật Nga với tư cách là khái niệm pháp lý”.
Trong khi đó, theo các công đoàn và các nhà nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Kinh tế (Nga), ngày nay có tới 30% công dân trình báo đã bị lạm dụng giới tinh dưới hình thức này hay hình thức khác tại nơi làm việc. Nam giới cũng là nạn nhân.
Nhà báo Roman Sacharov nói: “Các nam giới bị các nữ quản lý quấy rối với mức độ cũng tương tự như các nạn nhân nữ nếu không muốn nói là hơn. Nhưng trong một xã hội như là Nga, cánh mày râu cảm thấy bẽ mặt nếu thừa nhận là bị các chị em quấy rối”.
Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ quấy rối có lẽ còn cao hơn cả con số 30%. Một số người không dám kêu ca do lo sợ hoặc do tin rằng chẳng ai nghe mình cả.
Nhưng cũng có những người sống ở Nga mà chẳng gặp phải quấy rối hoặc đơn giản là không xem đó là quấy rối.
Chị Natalia Krasilnikova nói với Russia Beyond: “Tôi luôn lấy làm lạ khi đọc tin về chuyện quấy rối ở cơ quan. Trong 42 năm cuộc đời của tôi, tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng quấy rối tình dục hay phân biệt giới tính cả”.
Trong 3 năm qua, chị đã làm quản lý quan hệ công chúng (PR) cho ứng dụng hẹn hò trực tuyến Mamba tại một công ty công nghệ thông tin (IT), nơi có tới 90% nhân viên là nam giới.
Hồi bé, Krasilnikova từng gặp phải một gã mắc chứng phô bày cơ quan sinh dục bản thân và chị đã rất kinh hãi vì điều đó. Thế nhưng chị vẫn không cho đó là quấy rối. Khi Krasilnikova 15 tuổi, một “ông già” trên tàu điện ngầm cố tình đụng chạm vào vùng nhạy cảm của chị, nhưng chị ngơ ngác rồi bật cười. Về sau, chị nhiều lần đi một mình tới vùng Kavkaz, một khu vực đông người Hồi giáo và chị kể rằng mình chẳng gặp vấn đề nào ở đó cả.
Theo Krasilnikova, vấn đề quấy rối đã bị phóng đại ở góc độ tâm lý.
Luật sư Stepovoy cho rằng đây là một nghịch lý khi một số người thấy nạn này tràn lan khắp đất nước trong khi người khác không thấy gì cả.
“Ai mạnh hơn, người đó đúng”
Trên trang Facebook cá nhân của mình, nữ tác giả kiêm MC truyền hình Tatyana Tolstaya, người đã đoạt vô số giải thưởng, nhớ lại câu chuyện một nam giới Mỹ mà bà quen biết bị tố có hành vi quấy rối.
Vụ việc liên quan đến một nụ hôn trong một bữa tiệc văn phòng, diễn ra cách đây 10 năm. Nhưng mãi đến bây giờ người phụ nữ trẻ trong vụ này mới kể về chuyện đó như một phần trong chiến dịch truyền thông #MeToo. Người phụ nữ nói rằng mình khi ấy cảm thấy “không thoải mái”. Cuối cùng người đàn ông Mỹ kia mất việc.
Theo một báo cáo của Quỹ Chính trị Saint Petersburg, có một ranh giới rõ giữa tán tỉnh và quấy rối nhưng điều này vẫn chưa được hiểu rõ cả ở Nga lẫn phần còn lại của thế giới. Điều này có thể dẫn nam giới tới chỗ ngại, không dám làm những việc lịch sự như giữ cửa mở cho phái đẹp đi vào đi ra.
Theo cuộc thăm dò của Sky Data, hơn một nửa số người Anh được hỏi không thể phân biệt rõ hai thể loại này. Còn ở Nga, thì chủ đề quấy rối vẫn còn nhiều điều mù mờ và bị xem xét bằng con mắt hoài nghi.
Dường như ở Nga, chuyện này liên quan đến vấn đề quyền thế, vấn đề gia trưởng.
Nữ doanh nhân Nga Yekaterina Inozemtseva chia sẻ: “Tôi quan sát thấy rằng khi sự độc lập của một phụ nữ tăng lên và cô mở doanh nghiệp riêng, mức độ bị quấy rối trong cuộc đời cô ấy bắt đầu giảm mạnh”.
Năm 2018, Duma Quốc gia Nga đã bác bỏ một dự luật về bình đẳng giới. Dự luật này được đệ trình vào năm 2003 và việc xem xét dự luật này mất tới 15 năm.
Nữ nghị sĩ Nga Oksana Pushkina đã hứa hẹn sẽ đưa khái niệm “quấy rối” vào luật nhưng điều này cho tới nay vẫn chưa trở thành hiện thực./.