Vì sao Tổng thống Nga Putin tránh dùng điện thoại thông minh?
VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lại một lần nữa tự hào tuyên bố ông không có điện thoại thông minh, ngược lại xu thế công nghệ thế kỷ 21.
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin mới đây đã “chỉnh lời” của một quan chức Nga khi ông này đề cập đến chiếc điện thoại thông minh (smart phone).
Ông Vladimir Putin (trái) đứng bên cạnh phát ngôn viên Dmitry Peskov khi ông này nói chuyện qua điện thoại ở Moscow vào năm 2012. Ảnh: AFP.
Vị quan chức Nga nói trên nói về chuyện sử dụng năng lượng ở Nga và ông so sánh mức độ tiêu hao điện khi đun nước với tiêu hao năng lượng khi gửi tin nhắn thoại qua thiết bị điện thoại thông minh mà hầu hết người Nga đều sử dụng.
Khi thấy vậy, Tổng thống Putin đã chia sẻ “nỗi e ngại công nghệ” của mình với Mikhail Kovalchuk, Viện trưởng Viện Kurchatov và viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời ông Putin nói: “Anh Mikhail Valentinovich [Kovalchuk] à, anh nói mọi người đều có điện thoại thông minh. Nhưng tôi chẳng có điện thoại thông minh, và anh không thấy điều đó. Vậy mà anh nói mọi người đều có”.
Đây là một trong các bình luận mới nhất của ông Putin, bác bỏ việc ông có nhu cầu sử dụng điện thoại di động. Hồi năm 2010 ông từng nói rằng nếu mình có một cái thì nó sẽ rung suốt ngày.
Sau đó vào năm 2014, điện Kremlin đã nói về vấn đề này khi phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói rằng Tổng thống thực sự không sở hữu một chiếc điện thoại di động nào và ông thích “các hình thức liên lạc khác”.
Ảnh: Phe biểu tình chống ông Putin đối đầu với cảnh sát Nga
Ông Putin từng phục vụ trong cơ quan tình báo Liên Xô và Nga một thời gian dài trước khi ông chuyển sang làm chính trị.
Hồi năm 2003, một trong các báo khổ nhỏ của Nga là tờ Argumenty i Fakty đưa tin rằng nếu ông Putin cần dùng đến một chiếc điện thoại di động thì đơn giản là ông sẽ trưng dụng máy điện thoại của một trong các nhân viên của mình rồi trả lại cho người đó khi ông gọi điện xong.
Mặc dù ông Putin là nhân vật của công chúng được đề cập đến nhiều nhất ở nước Nga, ông cũng đồng thời nổi tiếng là khó tiếp cận, ngoại trừ thông qua một số nhỏ các sự kiện được phát trên truyền hình.
Tổng thống Putin thường tỏ thái độ hoài nghi về mục đích của các công nghệ số tiên tiến. Ông nghi ngờ internet là một sản phẩm gián điệp của Mỹ và ông chỉ đọc các thông báo chính thức về các đăng tải trên mạng xã hội như là các đoạn tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter, chứ ông không tự dùng Twitter./.