Cựu Đại sứ Triều Tiên: Bình Nhưỡng không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Sputnik ngày 14/5 dẫn lời cựu Đại sứ Triều Tiên tại Anh nói rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhận định này được đưa ra chỉ vài tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. Mục tiêu chính của hội nghị là hướng đến phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Ông Thae Yong Ho, người từng là nhà ngoại giao Triều Tiên trả lời phỏng vấn của báo giới cho rằng, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ không thể “giải trừ hoàn toàn” nhưng sẽ giúp “làm giảm mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên”.
Theo ông Thae, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nhiều khả năng lựa chọn giải pháp phi hạt nhân hóa “vừa đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” thay vì “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID).
“CVID yêu cầu kiểm tra bắt buộc hoặc tiếp cận ngẫu nhiên các khu vực, nhưng điều này sẽ dẫn đến sự cố trong hệ thống cốt lõi của Triều Tiên về quyền lực tối thượng”, ông Thae nói và cho rằng việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn sẽ chẳng khác nào phủ nhận toàn bộ chính sách Bình Nhưỡng đã theo đuổi trong quá khứ.
Ông Thae nói thêm: “Mỹ muốn CVID từ Triều Tiên, điều đó đồng nghĩa với việc tiếp cận ngẫu nhiên để kiểm tra. Tuy nhiên, không có ví dụ cụ thể nào về CVID trong quá khứ. Nó có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền tự chủ của một quốc gia. Tôi nghĩ rằng khả năng Triều Tiên đồng ý là rất thấp. Ngoài các cơ sở hạt nhân và tên lửa, có nhiều nơi nhạy cảm khác ở Triều Tiên”.
Tuần trước, truyền thông Triều Tiên đưa tin, Đảng Lao động cầm quyền quyết định đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân duy nhất của Triều Tiên Punggye-ri vào ngày 23-25/5.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố ngừng hoạt động của bãi thử Punggye-ri trong Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng 4 năm nay. Trong thông báo của mình, ông Kim giải thích rằng, mục tiêu của Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân đã hoàn thành nên bãi thử Punggye-ri không còn cần thiết nữa./. Liên Hợp Quốc hoan nghênh Triều Tiên đóng cửa cơ sở thử hạt nhân
Nhật Bản hoan nghênh kế hoạch giải trừ cơ sở thử hạt nhân Triều Tiên