Cựu nhân viên CIA tiết lộ thêm thông tin mật của tình báo Mỹ
Snowden vừa bất ngờ xuất hiện trên báo, khẳng định anh sẽ ‘tung’ ra tiếp nhiều tiết lộ mới về chính phủ Mỹ.
Giữa lúc cơ quan chức năng Mỹ đang ráo riết truy lùng cựu nhân viên CIA Edward Snowden thì tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong đăng tải thông tin cho biết, trong ngày 12/6, anh này đã chủ động liên lạc với phóng viên của tờ báo này trước khi hẹn phỏng vấn tại một địa điểm bí mật tại Hong Kong.
Trước đó Snowden đã rời khỏi một khách sạn hạng sang tại Hong Kong sau khi có tin bị giới chức Mỹ truy lùng, làm dấy lên tin đồn về khả năng điệp viên này đã rời khỏi Hong Kong.
Sẽ chiến đấu với chính phủ Mỹ tại tòa
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài một tiếng, nhà cựu phân tích thông tin của CIA khẳng định đã có mặt tại Hong Kong từ hôm 20/5, và sẽ ở lại để chiến đấu chống lại nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc dẫn độ anh về nước vì đã để lộ bí mật quốc gia.
Snowden vẫn đang ở Hong Kong (ảnh: internet) |
Hàng ngàn chiến dịch đột nhập máy tính Trung Quốc
Cựu điệp viên 29 tuổi này còn tiết lộ CIA đã đột nhập vào hệ thống máy tính của Hong Kong và Trung Quốc đại lục suốt từ nhiều năm qua. Một trong những mục tiêu chính của tình báo Mỹ tại Hong Kong là Đại học Trung Quốc, các quan chức chính phủ, các doanh nghiệp và sinh viên tại Hong Kong.
Snowden cho biết anh tin rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã thực hiện hơn 61.000 chiến dịch đột nhập máy tính trên toàn thế giới với hàng trăm mục tiêu tại Hong Kong và Trung Quốc.
“Chúng tôi xâm nhập vào các mạng xương sống, ví dụ như các bộ định tuyến internet không lồ. Việc này giúp chúng tôi có thể nắm bắt thông tin của hàng trăm nghìn máy tính mà không phải xâm nhập vào từng cái một”, Snowden nói.
“Tuần trước, chính phủ Mỹ còn vui vẻ thực hiện các chiến dịch mờ ám mà không cần bận tâm đến sự đồng ý của người dân, nhưng điều đó giờ không còn nữa. Mọi tầng lớp trong xã hội đang yêu cầu trách nhiệm giải trình và sự giám sát”.
Cựu điệp viên này khẳng định lí do anh tiết lộ thông tin là để phơi bày “sự đạo đức giả của chính phủ Mỹ khi họ tuyên bố rằng không nhắm tới các cơ sở hạ tầng dân sự, trái ngược với thực tế”.
“Họ không chỉ làm vậy mà còn sợ bị người khác biết rằng, họ sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương thức nào, chẳng hạn như sự hăm dọa về mặt ngoại giao, để ngăn cản các thông tin này được phơi bày”, Snowden khẳng định.
“Tôi không phải anh hùng hay kẻ phản bội. Tôi là một người Mỹ”, cựu nhân viên CIA tuyên bố và cho biết thêm mình tự hào khi là người Mỹ. “Tôi tin vào việc tự do bày tỏ quan điểm. Tôi hành động với thiện chí nhưng tất cả sẽ do công chúng quyết định”.
Cảm kích trước những người ủng hộ
Trước câu hỏi về việc tị nạn chính trị, anh nói: “Tất cả những gì tôi có thể làm đó là dựa vào những gì mình được huấn luyện và hy vọng rằng các chính phủ khắp thế giới sẽ từ chối Mỹ gây sức ép để dẫn độ một người đang xin tị nạn chính trị”.
Khi được hỏi liệu chính phủ Nga đã cho anh tị nạn chính trị hay chưa, Snowden nói: “Điều duy nhất tôi có thể nói đó là tôi thấy mừng vì có những chính phủ không chấp nhận bị hăm dọa bởi cường quốc”.
Cuộc phỏng vấn trên diễn ra cùng ngày với thời điểm giám đốc NSA, tướng Keith Alexander phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ để bảo vệ cho hoạt động của cơ quan mình. Đây là lần đầu tiên ông Alexander xuất hiện sau những tiết lộ chấn động của Snowden với báo giới Anh và Mỹ tuần trước. Trong phần phát biểu của mình, Alexander không để cập cụ thể những tiết lộ về chương trình Prism.
Nếu những gì Snowden công bố là chính xác, đây sẽ là một đòn giáng mạnh mẽ vào chính quyền của Tổng thống Obama, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc, nước bị Mỹ cáo buộc đứng đằng sau nhiều vụ tấn công nhắm vào Mỹ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây, ông Obama còn hối thúc Trung Quốc hạn chế hoạt động tình báo mạng của quân đội nước này.
Đồng thời thông tin do Snowden tiết lộ còn giúp Trung Quốc củng cố tuyên bố từ lâu của nước này rằng, họ là nạn nhân của hoạt động tin tặc hơn là thủ phạm.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người ủng hộ Snowden đã ký tên vào bản kêu gọi ân xá cho cựu điện viên này tại Mỹ. Nhiều người khác còn quyên góp để hỗ trợ anh.
“Tôi rất biết ơn sự ủng hộ của công chúng. Nhưng tôi đề nghị họ hãy hành động vì lợi ích của chính mình, dành tiền để gửi những bức thư tới một chính phủ đã vi phạm luật pháp và tuyên bố bản thân là người cao quý. Sự thật là tôi đã hành động với rất nhiều rủi ro cho mình để giúp công chúng toàn thế giới, bất kể đó là người châu Mỹ, châu Âu hay châu Á”./.