“D-Day là hình mẫu về quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và Đức”
VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã gây sốc khi đưa ra bình luận: “D-Day là hình mẫu về quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và Đức”.
“Chúng tôi có quan hệ hết sức mạnh mẽ với Chính phủ Đức. Nhìn lại lịch sử, ngày 5/6 kỷ niệm 71 năm Mỹ chính thức công bố Kế hoạch Marshall [hỗ trợ khôi phục kinh tế Tây Âu sau Thế chiến II- ND], ngày 6/6 là kỷ niệm D-Day- ngày quân đồng minh đổ bộ xuống Normandy. Điều đó cho thấy, chúng tôi có quan hệ lịch sử lâu dài với Chính phủ Đức”, bà Nauert tuyên bố ngày 5/6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Ảnh: AP
Theo Sputnik News, tuyên bố trên của bà Heather Nauert như đổ “thêm dầu vào lửa” vào quan hệ Mỹ-Đức vốn được ví như đang “đi trên băng mỏng” sau những lời chỉ trích của chính Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell nhằm vào Chính phủ Đức.
Điều này là bởi, chủ đề Đức Quốc xã vốn đã rất nhạy cảm tại Đức, hơn thế nữa, D-Day (6/6/1944) lại là ngày quân đội Mỹ và đồng minh đồng loạt đổ bộ xuống Normandy, khởi đầu cho cuộc tiến quân về Berlin đánh bại Đức Quốc xã.
Theo các chuyên gia, nhắc đến D-Day đồng nghĩa với việc nhắc đến giai đoạn lịch sử chiến tranh giữa hai nước nên việc sử dụng cụm từ này để minh chứng cho quan hệ “hết sức mạnh mẽ” giữa hai bên là “hết sức khiên cưỡng”. Chỉ sau khi Thế chiến Thứ 2 kết thúc, Mỹ mới thiết lập quan hệ mạnh mẽ với Tây Đức và sau này là nước Đức thống nhất.
Toàn cảnh cuộc đổ bộ lịch sử của quân đồng minh xuống Normandy
Vào ngày 6/6/1944, quân đội đồng minh tiến hành chiến dịch giành lại châu Âu từ Đức Quốc xã. Cuộc đổ bộ Normandy (mật danh: Neptune) là cuộc đổ bộ từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử và phải mất nhiều năm lên kế hoạch.
Trước đó một ngày, tướng Dwight Eisenhower của Mỹ (Tổng tư lệnh quân đồng minh) đã ra lệnh tiến hành chiến dịch Overlord. Theo một số tư liệu, quân đồng minh đã điều động 6.000 tàu đổ bộ chở theo 176.000 binh lính từ Anh đến Pháp.
Đêm 5/6, 822 chiếc máy bay chở 18.000 lính dù đến phía sau phòng tuyến Normandy để tiến hành đánh chặn một vài cây cầu, ngăn không cho quân tiếp viện của Đức tới ứng cứu.
Sáng 6/6, 18.000 lính nhảy dù đã vào vị trí; cuộc tấn công được lệnh bắt đầu vào lúc 6h30. Việc quân đồng minh bất ngờ đổ bộ đã khiến quân Đức không kịp trở tay và phải mất thời gian để lên kế hoạch đối phó./.