Đại cử tri đoàn từng suýt bị bãi bỏ vào năm 1970
VOV.VN - Hạ viện Mỹ đã thông qua một sửa đổi hiến pháp để loại bỏ hệ thống bỏ phiếu gián tiếp bầu tổng thống, nhưng sửa đổi này không nhận được đủ 2/3 số phiếu ủng hộ ở Thượng viện.
Vào ngày 18/9/1969, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo 338-70 để chuyển dự thảo sửa đổi hiến pháp lên Thượng viện, theo đó sẽ loại bỏ Đại cử tri đoàn - hệ thống gián tiếp mà người Mỹ bầu ra tổng thống và phó tổng thống.
Jesse Wegman, thành viên ban biên tập New York Times cho biết: “Đây là lần duy nhất trong lịch sử Mỹ, một viện của Quốc hội thông qua sửa đổi hiến pháp để bãi bỏ Đại cử tri đoàn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy trước đây và có thể sẽ không bao giờ thấy bất cứ điều tương tự nữa”.
Diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống bất thường trước đó, cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện phản ánh xu hướng trên toàn quốc ủng hộ bãi bỏ hệ thống bầu cử mà theo đó một ứng cử viên vẫn có thể giành chức tổng thống dù thua đối thủ về số phiếu phổ thông.
Một cuộc thăm dò của Gallup năm 1968 cho thấy 80% người Mỹ tin rằng đã đến lúc bầu chức vụ cao nhất của đất nước bằng hình thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau, dự thảo sửa đổi đáng lẽ ra sẽ kết thúc Đại cử tri đoàn đã vấp phải sự phản đối của một nhóm nhà lập pháp miền Nam có ý định bảo toàn quyền lực bầu cử cho nhóm đa số ở các bang của mình. Bất chấp sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng ở cả các bang lớn và nhỏ, sửa đổi hiến pháp không được thông qua ở Thượng viện.
“Một người, một phiếu bầu”
Đại cử tri đoàn dấy lên tranh cãi vào những năm 1960 khi các nhà hoạt động tìm cách giành toàn quyền bầu cử cho người Mỹ da đen, đặc biệt là ở miền Nam. Trong khi đó, một số người khác lại nêu ra vấn đề khác của Đại cử tri đoàn, đó là sự “phân bổ không công bằng”.
Về lý thuyết, các quận đông dân nhất ở mỗi bang phải có nhiều đại diện nhất trong cơ quan lập pháp, nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. (Số đại cử tri của mỗi bang bằng tổng số thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ của bang đó, nhưng đại cử tri không phải là thành viên của quốc hội). Bắt đầu từ những năm 1920, một làn sóng người da đen ở nông thôn tràn vào các thành phố, ở cả miền Bắc và miền Nam, nhưng nhiều bang không bận tâm đến việc cập nhật tỷ lệ đại diện của họ theo sự thay đổi nhân khẩu học đó.
Thay vào đó, các tiểu bang như Tennessee, Georgia và Alabama — cũng như Vermont và California — tiếp tục phân bổ quá ít đại diện cho các trung tâm thành thị và quá nhiều cho các khu vực nông thôn. Ví dụ ở Tennessee, cứ 3.800 cử tri nông thôn ở miền Đông của bang thì có một đại diện và cứ 70.000 cử tri ở các thành phố như Nashville và Memphis thì có một đại diện.
Kết quả là nhiều quyền lực chính trị hơn được phân bổ cho các cử tri nông thôn chủ yếu là người da trắng và ít hơn cho các cử tri thành phố có nhiều khả năng là người da đen.
Tòa án Tối cao ủng hộ “một người, một phiếu bầu”
Đầu những năm 1960, Tòa án Tối cao muốn loại bỏ tình trạng phân bổ không công bằng và đưa ra nguyên tắc dân chủ mới: “một người, một phiếu bầu”.
“Quan niệm về bình đẳng chính trị từ Tuyên ngôn Độc lập, đến Diễn văn Gettysburg của Lincoln, hay Tu chính án 15, 17 và 19 chỉ có thể có một ý nghĩa: một người, một phiếu bầu,” Thẩm phán William O. Douglas khi đó cho biết.
Tòa án Tối cao chỉ ra những bất bình đẳng về chính trị và sắc tộc trong việc phân bổ không công bằng, một hệ thống coi trọng lá phiếu của người này hơn lá phiếu của người khác. Theo Chánh án Earl Warren, bất chấp sự thay đổi nhân khẩu học của Mỹ từ nông thôn sang thành thị, “nguyên tắc cơ bản của chính phủ đại nghị vẫn phải được bảo toàn và không được thay đổi - trọng lượng lá phiếu của công dân không thể phụ thuộc vào nơi người đó sống”.
Wegman nói rằng các thẩm phán của Tòa án Tối cao đã hoàn toàn nhận thức được cách Đại cử tri đoàn “vi phạm trắng trợn” nguyên tắc của chính phủ đại nghị đó. Vì ngay cả những bang ít dân nhất cũng được đảm bảo có 3 đại cử tri, nên Đại cử tri đoàn là một hệ thống không cân bằng, nơi cử tri ở các bang nhỏ ít dân nắm giữ nhiều quyền lực chính trị hơn so với các bang lớn đông dân.
Không chỉ vậy, nguyên tắc “người chiến thắng được cả” – theo đó, các bang trao tất cả phiếu đại cử tri của bang cho ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông trên toàn bang - có nghĩa là các cuộc bầu cử có thể được quyết định bởi cử tri ở một số ít các bang dao động. Lá phiếu của những cử tri ủng hộ đảng này nhưng lại sống ở các bang bị chi phối bởi một chính đảng khác sẽ không có trọng lượng.
Dù vậy, Tòa án đã bất lực trong việc đảo ngược một hệ thống bầu cử đã được nêu rõ ràng trong Hiến pháp.
Theo Wegman, Về cơ bản, Tòa án đã nói với Quốc hội rằng, nếu các ông/bà muốn thay đổi Đại cử tri đoàn phù hợp với nguyên tắc ‘một người, một phiếu bầu’, thì phải làm làm điều đó thông qua một Tu chính án. Và đó chính là những gì Quốc hội đã làm.
Ai là người soạn thảo sửa đổi hiến pháp?
Birch Bayh là một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ trẻ tuổi bang Indiana, được bầu vào Quốc hội lần đầu tiên vào năm 1963. Khi một thượng nghị sĩ lớn tuổi qua đời, Bayh đảm nhiệm vị trí chủ tịch tiểu ban sửa đổi hiến pháp của Ủy ban Tư pháp Thượng viện.
53 ngày sau khi Bayh đảm nhận vị trí trong tiểu ban, Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát tại Dallas. Cái chết gây sốc của Kennedy đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về những gì Hiến pháp nói hoặc không nói về việc kế vị tổng thống. Chưa đầy một tháng sau vụ ám sát, Bayh đã giới thiệu một nghị quyết sửa đổi Hiến pháp trong đó quy định rõ ràng về người chịu trách nhiệm lãnh đạo đất nước nếu tổng thống và phó tổng thống không đủ năng lực hoặc không thể tiếp tục công việc của mình. Được cả Hạ viện và Thượng viện phê chuẩn, Tu chính án thứ 25 có hiệu lực vào năm 1967.
Sự khéo léo của Bayh trong việc thu hút được sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Tu chính án thứ 25 đã được Tổng thống Lyndon Johnson chú ý. Ông đã giao nhiệm vụ cho thượng nghị sĩ trẻ tuổi giải quyết vấn đề Đại cử tri đoàn. Johnson không muốn loại bỏ hoàn toàn hệ thống này, mà chỉ là muốn chấm dứt sự tồn tại của “những đại cử tri phản bội”. Johnson lo rằng các đảng viên Dân chủ miền Nam ủng hộ xu hướng phân biệt chủng tộc sẽ bỏ phiếu đại cử tri của họ cho một ứng cử viên của đảng thứ ba thay vì ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ.
Nhưng khi Bayh bắt đầu tổ chức các phiên điều trần về việc thay đổi hệ thống Đại cử tri đoàn, ông đã tin rằng một sự sửa đổi nhỏ là không đủ. Việc thay đổi Đại cử tri đoàn bằng cách điều chỉnh quy định sẽ giống như việc cố sửa một chiếc ô tô đã cũ kỹ và ọp ẹp, khiến nó không kém phần nguy hiểm hơn tình trạng cũ.
“Những gì chúng ta cần là một động cơ mới, bởi vì chúng ta đang ở trong một thời đại mới”, Bayh nói. Ông lập luận rằng giải pháp thực sự công bằng duy nhất là một cuộc bỏ phiếu phổ thông trên toàn quốc - một người, một phiếu bầu.
Cuộc bầu cử bất ổn năm 1968 đặt ra nhiều vấn đề
Đại cử tri đoàn có thể vẫn là một vấn đề chính trị thích hợp nếu không vì cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 suýt trở thành thảm họa. Đúng như Johnson dự đoán, một ứng cử viên phân biệt chủng tộc của đảng thứ ba, Thống đốc bang Alabama, George Wallace, đã tiến rất gần đến việc đảo chiều cuộc bầu cử bằng cách thu hút phiếu đại cử tri của các ứng cử viên đảng Cộng hòa Richard Nixon và ứng viên đảng viên Đảng Dân chủ Hubert Humphrey.
Nếu Wallace thành công trong việc làm cho cả Nixon và Humphrey mất đa số (quá bán) phiếu đại cử tri, cuộc bầu cử sẽ được định đoạt ở Hạ viện, nơi mà Wegman cho rằng thậm chí còn kém dân chủ hơn so với Đại cử tri đoàn. Tại Hạ viện, mỗi bang chỉ được một phiếu bầu cho tổng thống, bất kể bang nhỏ như Rhode Island hay bang lớn như California.
Hơn nữa, Hạ viện phải lựa chọn giữa 3 ứng cử viên có số phiếu đại cử tri cao nhất, vì vậy Wallace vẫn có thể tiếp tục cuộc đua và tận dụng vị trí của mình như một lợi thế để yêu cầu các bên khác nhượng bộ. Đó chính xác là những gì đã từng xảy ra vào năm 1824, khi John Quincy Adams đạt được thỏa thuận bí mật với Henry Clay để có thể trở thành tổng thống dù Andrew Jackson mới là người giành được nhiều nhất cả số phiếu phổ thông và số phiếu đại cử tri đoàn.
Điều đó đã không xảy ra, vì Nixon đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử với cách biệt hẹp nhất. Tuy nhiên viễn cảnh đưa cuộc bầu cử tới Hạ viện vẫn là một lời cảnh báo về hệ thống Đại cử tri đoàn.
Thời điểm đó, kết quả thăm dò của Gallup cho thấy 80% ủng hộ bãi bỏ Đại cử tri đoàn. Nhiều nhóm chính trị nổi tiếng đã ủng hộ đề xuất sửa đổi của Bayh, trong đó có Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Phòng Thương mại, AFL-CIO, Liên đoàn nữ cử tri....
Cuối cùng Hạ viện bỏ phiếu phê chuẩn và chuyển dự thảo sửa đổi của Bayh lên Thượng viện vào tháng 9/1969.
Thurmond lôi kéo người da đen và người Do Thái
Phải mất một năm nữa Thượng viện mới bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi để bầu tổng thống và phó tổng thống bằng một cuộc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc. Sự trì hoãn phần lớn là lưỡng đảng tại Quốc hội tranh cãi kéo dài về 2 ứng viên mà Tổng thống Nixon đề cử vào Tòa án Tối cao. Cuối cùng, khi đã đến lúc đưa dự thảo sửa đổi hiến pháp của Bayh ra bỏ phiếu, nó đã gặp phải rào cản mới.
Một số nhà lập pháp miền Nam do Thượng nghị sỹ Strom Thurmond của bang Nam Carolina đứng đầu đã phản đối dự luật. Tại sao các phe phái chính trị lại muốn duy trì Đại cử tri đoàn? Wegman cho rằng sự khuất phục chủng tộc chính là lý do.
Vào cuối những năm 1960, người da trắng vẫn chiếm đa số ở các bang miền Nam như Nam Carolina. Đại cử tri đoàn, với nguyên tắc “người chiến thắng được cả”, đảm bảo rằng khối cử tri da trắng này sẽ “vô hiệu” lá phiếu của khối cử tri da đen ở miền Nam.
“Thurmond và các đồng minh của ông ta biết rằng nếu cử tri da đen có thể bỏ phiếu theo các điều khoản bình đẳng với người da trắng, điều có thể xảy ra trong một cuộc bỏ phiếu phổ thông, thì lợi thế đó sẽ biến mất. Họ cần phải cứu Đại cử tri đoàn để bảo vệ vị trí của họ trong hệ thống phân cấp chủng tộc mà tổ tiên chủ nô của họ đã tạo ra”, Wegman cho biết.
Thurmond biết rằng sự cản trở của ông tại Thượng viện sẽ không có tác dụng nếu dự thảo sửa đổi nhận được 2/3 số phiếu thuận. Vì vậy ông cần nhiều người ủng hộ hơn, chứ không chỉ những người theo chủ trương phân biệt chủng tộc. Do đó, ông đã tìm cách lôi kéo các nhà lãnh đạo da đen và Do Thái nổi tiếng ở các thành phố lớn như Thành phố New York.
Trong khi người da đen ở miền Nam tương đối ít ảnh hưởng về chính trị trong các cuộc bầu cử tổng thống, thì tình hình ngược lại ở miền Bắc. New York có lẽ là bang chiến địa quan trọng nhất vào thời điểm đó và bạn không thể giành được bang New York mà không giành chiến thắng ở các quận chủ chốt ở thành phố New York. Nếu một ứng cử viên muốn giành được các quận đó, họ phải nhận được sự ủng hộ của cộng đồng da đen và Do Thái, hai trong số các nhóm sắc tộc thiểu số lớn nhất trong thành phố.
Điều này rất có ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo da đen và Do Thái ở thành phố New York, vì nó đem lại cho họ tiếng nói và cả một vị trí trong bàn thảo luận việc hoạch định chính sách địa phương, tiểu bang và quốc gia.
Thurmond đã gửi điện tín cá nhân cho các nhà lãnh đạo da đen và Do Thái ở New York, Chicago và Detroit, giải thích rằng một cuộc bỏ phiếu phổ thông trực tiếp sẽ làm xói mòn ảnh hưởng chính trị của họ. Nếu các khối cử tri thiểu số không còn khả năng quyết định chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông, thì họ sẽ mất vị thế.
Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) thậm chí còn đến tận văn phòng Thượng viện của Bayh vào năm 1970 để yêu cầu ông từ bỏ việc sửa đổi hiến pháp.
Bayh đã liên tục giới thiệu lại bản sửa đổi hiến pháp bãi bỏ Đại cử tri đoàn thêm 5 lần nữa trong 10 năm tiếp sau đó. Lần duy nhất Thượng viện tiến hành bỏ phiếu đầy đủ là vào năm 1979, khi đó dự thảo sửa đổi nhận được 51 phiếu thuận. Tuy nhiên, để thông qua một Tu chính án, số phiếu quá bán là chưa đủ, mà cần phải có 2/3 số phiếu ủng hộ, tức là 67 phiếu./.