Dải Gaza tiếp tục chìm trong khói lửa
VOV.VN - Thủ tướng Israel tuyên bố chỉ khi nào công dân nước ông an toàn thì chiến dịch quân sự tại Gaza mới có thể kết thúc.
Hôm qua (20/8), Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết, chiến dịch quân sự của nước này tại Gaza có thể còn kéo dài. Trong khi đó, các cánh vũ trang tại Dải Gaza cũng tuyên bố sẽ bắn vào các mục tiêu tại Israel. Điều này khiến triển vọng cho một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Palestine và Israel càng trở nên mờ mịt sau khi một thỏa thuận ngừng bắn hôm 19/8 bị phá vỡ.
Tại một cuộc họp báo ở Tel Aviv, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết, cuộc chiến tại Gaza phát động hôm 8/7 "sẽ là một chiến dịch liên tục" nhằm khôi phục "sự ổn định và an toàn" cho các công dân Israel.
“Chỉ khi công dân của Israel được an toàn và yên ổn thì chúng ta mới kết thúc chiến dịch này. Do đó, khi“Chiến dịch bảo vệ biên giới” chưa hoàn thành thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch”
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu cũng cho biết, ông nhìn thấy "một đường chân trời ngoại giao mới" ở phía trước cho Israel, ám chỉ khả năng ngoại giao với Palestine khi chiến tranh kết thúc.
Cũng trong ngày hôm qua, Phong trào Hồi giáo Hamas đã tuyên bố ngừng tham gia vào nỗ lực nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn lâu dài với Israel do Ai Cập làm trung gian, trong bối cảnh bạo lực leo thang sau khi lệnh ngừng bắn 24 giờ sụp đổ. Hamas cũng cảnh báo các hãng hàng không nước ngoài không bay vào Tel Aviv. Phong trào này cũng tuyên bố, nhóm này đang nhắm bắn các mục tiêu là địa điểm công cộng tại Israel như sân vận động hoặc sân bay quốc tế Ben-Gurion.
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn 24 giờ hết hiệu lực, trong hai ngày 19 và 20/8, phía Israel đã tiến hành hơn 100 cuộc không kích tại Dải Gaza. Một trong những cuộc không kích của Israel tại Gaza đã giết chết vợ và con trai của nhà lãnh đạo quân sự của Hamas, ông Mohammed Deif. Phía Hamas đã gọi đây là âm mưu của Israel nhằm ám sát ông này.
Ông Sami Abu Zuhri -người phát ngôn của phong trào Hamas nói: “Nỗ lực ám sát lãnh đạo Hamas của Israel đã phản ánh sự bạo lực và thiếu nghiêm túc trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn của Israel. Nhưng các mối đe dọa này sẽ không làm các nhà lãnh đạo Palestine sợ hãi, ngược lại chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bảo vệ người dân trước kẻ thù Israel”.
Các cánh vũ trang tại Palestine cũng đã bắn hơn 180 quả rocket về phía Israel, một số bị chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome). Theo tuyên bố của phía Hamas, 2 quả rocket đã bắn trúng một cơ sở khí đốt của Israel, cách ngoài khơi bờ biển thành phố duyên hải Gaza khoảng 30km.
Các nguồn tin y tế xác nhận 18 người Palestine thiệt mạng trong khi 120 người khác bị thương trong các cuộc tấn công qua Dải Gaza kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sụp đổ hôm 19/8.
Trước tình hình căng thẳng tiếp diễn tại Dải Gaza, Ai Cập đã kêu gọi Israel và Palestine nối lại đàm phán, đồng thời bày tỏ "lấy làm tiếc trước hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza."
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ với nỗ lực làm trung gian để chấm dứt tình trạng đổ máu kéo dài ở Dải Gaza, Cairo "vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc với cả Palestine lẫn Israel để khuyến khích họ một lần nữa tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời tiến hành đàm phán một cách tích cực để đạt được thỏa thuận đảm bảo cho một lệnh ngừng bắn lâu dài".
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua cũng đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" khi chiến sự tiếp diễn tại Dải Gaza giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi các bên khẩn trương nối lại đàm phán. Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant, Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 8 nói: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang và đạt được một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ mối quan tâm sâu sắc tới tình hình thương vong của dân thường. Hội đồng Bảo an sẽ hỗ trợ sáng kiến của Ai Cập và kêu gọi các bên tiếp tục khẩn trương đàm phán đạt nhằm được một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và lâu dài. "
Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Palestine và Israel do Ai Cập làm trung gian hết hiệu lực vào nửa đêm 19/8 theo giờ địa phương, đã bị phá vỡ trước thời hạn với việc Hamas nã hàng chục quả rocket vào lãnh thổ Israel và nước này đáp trả bằng việc triển khai các cuộc không kích./.