Đàm phán hạt nhân bế tắc, Iran củng cố quan hệ với Nga và Trung Quốc

VOV.VN - Triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ngày càng mờ nhạt khi Iran tiếp tục yêu cầu nhận được những đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dừng các cuộc điều tra về dấu vết uranium.

Giới chuyên gia cảnh báo, đàm phán càng kéo dài lâu, trạng thái cân bằng mong manh hiện nay có thể bị phá vỡ. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho rằng, sẽ không thể có một thỏa thuận lâu dài nếu cuộc điều tra của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế không khép lại và Mỹ, cũng như châu Âu không thể thực hiện những cam kết của mình.

“Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran không tìm cách sản xuất hoặc mua vũ khí hạt nhân. Chính Mỹ đã rời bỏ và chà đạp thỏa thuận chứ không phải Iran. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã đưa ra 15 báo cáo khác nhau tuyên bố chính xác rằng Iran vẫn hoàn toàn tuân thủ tất cả các cam kết", ông Ebrahim Raisi nói.

Mỹ và châu Âu đã dứt khoát từ chối yêu cầu, khẳng định cuộc điều tra sẽ chỉ kết thúc khi IAEA nhận được câu trả lời thỏa đáng của Iran. Những nước này tin rằng dấu vết hạt nhân có thể là bằng chứng cho thấy Iran có một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật trước năm 2003.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Phản ứng của Iran đối với đề xuất mà Liên minh châu Âu đưa ra rõ ràng là một bước lùi và khiến triển vọng cho một thỏa thuận trong thời gian tới khó có thể xảy ra. Tôi không thể cung cấp cho bạn một mốc thời gian, ngoại trừ việc nhấn mạnh một lần nữa rằng Iran dường như không sẵn sàng hoặc không thể làm những gì cần thiết để đạt được một thỏa thuận".

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tuần trước cho biết, ông hy vọng sẽ nói chuyện với các quan chức Iran về cuộc điều tra, nhưng thừa nhận điều này sẽ không đơn giản. Theo báo cáo mới nhất của IAEA, Iran tiếp tục bổ sung các máy ly tâm tiên tiến và tích lũy nhiều urani được làm giàu hơn. Thỏa thuận hạt nhân đã hạn chế số lượng và loại máy ly tâm mà Iran có thể vận hành để làm chậm quá trình tạo ra urani làm giàu cao có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí hạt nhân. Chính phủ Iran nhiều lần khẳng định có đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân nhưng đã không lựa chọn con đường này.

Tới nay, các bên vẫn cam kết tiếp tục ngoại giao để khôi phục thỏa thuận năm 2015. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo một chu kỳ leo thang sẽ xuất hiện nếu các cuộc đàm phán không có mục đích hoặc kết thúc trong thất bại. Cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến thế giới bị chia rẽ hơn lúc nào hết và trong lúc đàm phát hạt nhân bị đình trệ, Iran hồi tháng này cũng tiến gần hơn một bước với Nga và Trung Quốc khi ký một bản ghi nhớ về việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Theo Tổng thống Ebrahim Raisi, việc mở rộng liên minh chính trị, kinh tế và an ninh Á –Âu này có thể giúp chống lại chủ nghĩa đơn phương và việc ngăn chặn các biện pháp trừng phạt "hà khắc" của Mỹ đòi hỏi các giải pháp mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên