Đàm phán hạt nhân: Iran và Mỹ cần nhượng bộ lẫn nhau
VOV.VN - Việc Iran và Mỹ vẫn ở thế giằng co sẽ khiến cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân ngày 7/5 được nhận định là sẽ không dễ dàng. Hai bên cần nhượng bộ lẫn nhau để đạt được kết quả.
Phát biểu khi ở thăm Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, Iran không nên mong đợi những nhượng bộ lớn mới từ Mỹ khi vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp mới giữa các bên được nối lại.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ đã đưa ra những nhượng bộ để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Theo đó, thành công hay thất bại giờ phụ thuộc vào việc Iran có đưa ra quyết định chính trị để chấp nhận những nhượng bộ đó và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hay không.
“Chúng tôi đã tham gia các cuộc đàm phán ở Vienna được vài tuần với các đối tác châu Âu, với Nga, Trung Quốc và gián tiếp với Iran. Chúng tôi đã thể hiện mục đích rất nghiêm túc của mình khi muốn quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện. Điều chúng tôi chưa biết là liệu Iran có chuẩn bị để đưa ra quyết định tương tự hay không”, ông Blinken nói.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ và Iran có thể đạt được thỏa thuận và trở lại tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện trước cuộc bầu cử ngày 18/6 tới tại Iran nếu nước này sẵn sàng hợp tác.
Trong khi đó, Iran cũng chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ giải quyết bất cứ điều gì trừ khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các quan chức Iran trong những tuần gần đây cho biết, Mỹ đã đưa ra các biện pháp giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, nhưng chừng đó là chưa đủ để Iran đánh đổi lại việc quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Về chi tiết của các cuộc đàm phán, tất nhiên các lệnh trừng phạt là một câu hỏi rất nghiêm túc và thực sự là câu hỏi quan trọng nhất đối với chúng tôi. Đây là một vấn đề rất phức tạp và như bạn biết, có nhiều loại lệnh trừng phạt và Iran sẽ đối phó với tất cả các lệnh trừng phạt”, Trưởng đoàn đàm phán Iran Abbas Araqchi cho biết.
Dự kiến, vòng đàm phán mới nhất giữa các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được nối lại tại thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 7/5. Vòng đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh đại diện Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đều lên tiếng khuyến khích tất cả các bên nắm bắt cơ hội ngoại giao đang có tại Vienna và lên án bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho những tiến bộ đã đạt được. Hiện bất đồng vẫn là việc Mỹ và Iran, bên nào sẽ hành động trước để gỡ “nút thắt” trong đàm phán.
Kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và Iran đã có những bước đi thăm dò lẫn nhau. Chính quyền Mỹ đã nhiều lần bày tỏ ý định quay trở lại thỏa thuận năm 2015 nếu Iran tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận của mình. Trong khi đó, Iran kiên quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này trước khi kêu gọi họ tái thực thi các điều khoản.
Chính vì vậy, các cuộc đàm phán sắp tới tại Vienna, Áo, được dự báo diễn ra không hề dễ dàng và chưa biết kéo dài trong bao lâu. Tuy vậy, các nhà phân tích nhận định, tiến trình đàm phán tại Viên vẫn là cơ hội tốt để làm sống lại Thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện nếu các bên nhượng bộ lẫn nhau./.