Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều chính thức được nối lại
VOV.VN - Theo kế hoạch, hôm nay (5/10), Mỹ và Triều Tiên chính thức nối lại đàm phán hạt nhân ở cấp độ chuyên viên, tại Stockhom, Thụy Điển.
Cuộc đàm phán diễn ra sau khi Phó đoàn 2 bên hôm 4/10 đã có cuộc gặp sơ bộ, được đánh giá là hiệu quả và tích cực. Thế giới hiện đang kỳ vọng 2 bên sẽ đạt những tiến bộ được trong lần đàm phán này, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 30/6. Ảnh: THX. |
Đến Stockhom lần này, cả phái đoàn đàm phán Mỹ và Triều Tiên đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào với báo giới. Thậm chí, cuộc gặp sơ bộ giữa 2 bên ngày hôm qua (4/10) diễn ra ở đâu, như thế nào, báo chí quốc tế cũng không hề hay biết cho đến khi cuộc gặp này kết thúc.
Thế giới chỉ biết điều này khi Tổng thống Mỹ Trump hôm 4/10 xác nhận 1 cuộc gặp như vậy đã diễn ra. Sau đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc mới đưa tin, Phó đoàn đàm phán Mỹ Mark Lambert và Phó đoàn đàm phán Triều Tiên Kwon Jong-gun đã có cuộc gặp sơ bộ tại Biệt thự Elfvik Strand ở Lidingo, phía đông bắc thủ đô Stockhom. Nội dung cuộc gặp sơ bộ là thỏa luận về lịch trình và các vấn đề hành chính cho việc nối lại các cuộc đàm phán chính thức giữa 2 bên. Cuộc họp sơ bộ được đánh giá hiệu quả, diễn ra trong 1 bầu không khí tích cực, cởi mở.
Dự kiến, cuộc đàm phán chính thức Mỹ - Triều hôm nay (5/10) sẽ diễn ra với sự dẫn dắt của Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ, Đặc phái viên Stephen Biegun và Trưởng Phái đoàn Triều Tiên - cựu Đại sứ tại Việt Nam Kim Myong Gil.
Nội dung cuộc gặp sẽ tập trung vào việc làm thế nào để đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện thỏa thuận “mang tính bước ngoặt” mà 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã đạt được tại thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018. Bao gồm việc thúc đẩy, xây dựng các mối quan hệ song phương mới, nỗ lực chung để xây dựng nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo.
Hiện Mỹ - Triều vẫn còn khá nhiều khác biệt trong cách thức phi hạt nhân hóa, cũng như việc gỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Trước vòng đàm phán lần này, cả 2 bên đã kêu gọi nhau đưa ra các bước đi “táo bạo”, để đạt tiến triển, phá thế bế tắc hiện nay.
Theo một số nguồn tin từ giới chức Mỹ, đến lần đàm phán lần này, Chính quyền Tổng thống Trump đang có ý định đề xuất với phía Triều Tiên về việc gỡi bỏ cơ sở hạt nhân chính Yongbyon và ngừng làm giàu Ukraine, đổi lại Mỹ sẽ yêu cầu Liên Hợp Quốc đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với các ngành dệt may và than đá của Triều Tiên trong vòng 3 năm.
Hiện thế giới cũng đang kỳ vọng về những tiến bộ trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều sẽ đạt được trong lần đối thoại này, nhằm hướng tới tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh lần 3 giữa Tổng thống Mỹ Trump và Nhà lãnh đạo Triều Kim Jong Un. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mới đây bày tỏ hi vọng Mỹ - Triều sẽ cùng nhau nỗ lực hơn nữa, tiếp tục duy trì sự đối thoại, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Trong khi, Tổng thống Nga Putin cũng đã đánh giá cao cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên của người đồng cấp Mỹ Donald Trump:“Về vấn đề Triều Tiên, chúng ta phải công nhận sự can đảm của Tổng thống Trump và khả năng của Nhà lãnh đạo Mỹ khi thực hiện các động thái phi truyền thống”. Trong nhiều thập kỷ, các Tổng thống tiền nhiệm Mỹ đã phớt lờ và ruồng bỏ Triều Tiên. Ông Trump đã đảo ngược điều này, để đi vào lịch sử, khi vượt qua những ranh giới của những thông tin sai lệch và sự ghẻ lạnh. Ông đã gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để bắt đầu tiến trình đàm phán”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kỳ vọng việc Mỹ - Triều nối lại đàm phán là 1 cơ hội tốt để hai bên thu hẹp các khác biệt trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời hi vọng 2 bên có thể nắm bắt cơ hội để đạt được kết quả tích cực.
Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng sẽ tổ chức họp kín vào tuần tới để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu của Đức, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh và Pháp./.