Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đứng trước nguy cơ mất “tất cả”
VOV.VN - Đàm phán hạt nhân bế tắc, Triều Tiên đã liên tiếp chuyển tới Mỹ những thông điệp cảnh báo “cứng rắn” trong nhiều tháng qua.
Mới nhất, cuối tuần qua, nước này đã thử nghiệm thành công vụ thử “rất quan trọng” tại bãi phóng Sohae, đồng thời tuyên bố đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ. Đáp lại, phía Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên có nguy cơ mất “mọi thứ” nếu nối lại các hành vi thù địch. Hiện cánh cửa đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang ngày càng hẹp lại.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore năm 2018 - Ảnh: REUTERS. |
Đáng chú ý, vụ thử mới nhất của Triều Tiên được tiến hành tại bãi phóng Sohae – một cơ sở thử nghiệm tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên mà quan chức Mỹ từng khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã cam kết đóng cửa. Thêm vào đó, kết quả vụ thử này được giới chức Triều Tiên nhận định là sẽ giúp thay đổi vị thế chiến lược của Bình Nhưỡng trong tương lai gần.
Đi kèm với vụ thử được đánh giá “quan trọng” này, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song cũng đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc tiến hành một cuộc đối thoại bền vững và ổn định, đồng thời khẳng định rằng, sự phi hạt nhân hóa đề xuất bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn trên bàn đàm phán. Theo ông, những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết.
Những tuyên bố “không thể xem nhẹ” này của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Mỹ để thay đổi lập trường về phi hạt nhân hóa đơn phương và nhượng bộ về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, sắp kết thúc.
Đáp lại những thông điệp từ Triều Tiên, 2 ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hơn 2 lần phải nhắc lại mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un; đồng thời cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng có các hành động mang tính chất thù địch: “Tôi có mối quan hệ tốt với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tôi sẽ rất ngạc nhiên, nếu Triều Tiên có những hành động thù địch. Tôi nghĩ cả 2 đều muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp này. Ông Kim Jong-un biết chúng tôi có cuộc bầu cử sắp tới, nhưng tôi không nghĩ ông muốn can thiệp. Bất chấp mối quan hệ giữa hai bên rất tốt nhưng thực tế chúng tôi vẫn có sự khác biệt nhất định.”
Hôm 8/12, trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thẳng thắn cảnh báo rằng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ mất “mọi thứ” nếu ông quay lại thái độ thù địch và đất nước có tiềm năng kinh tế lớn tại Đông Bắc Á này ông phải được phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng khẳng định, Washington vẫn luôn mở cửa cho đối thoại với Bình Nhưỡng, song cũng sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết.
“Tôi sẽ không bình luận về các giả thuyết. Công việc của tôi là đảm bảo rằng Mỹ luôn sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng nếu cần thiết. Tôi tin rằng, ngay trong lúc này, chúng tôi đang ở trạng thái sẵn sàng cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ 2 của tôi cũng là tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao. Các cuộc đàm phán luôn mở. Không chỉ Ngoại trưởng Mike Pompeo, mà cả Tổng thống nhiều lần nói rằng, chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống và muốn đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên.”
Hạn chót Triều Tiên đưa ra cho Mỹ đang cận kề, cùng với đó là những tuyên bố cứng rắn “không chịu nhượng bộ” từ cả 2 bên, đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang đứng thách thức hơn bao giờ hết./.