Đàm phán hòa bình Israel-Palestine có thể mất 9 tháng

VOV.VN - “Các nhà đàm phán Irael và Palestine đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận về quy chế cuối cùng trong vòng 9 tháng tới”.

Ngày 30/7, đoàn đàm phán hòa bình của Israel và Palestine cho biết có thể phải mất 9 tháng để 2 bên có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột hơn 60 năm qua.

Với vai trò trò trung gian hòa giải của Mỹ, phái đoàn cấp cao của Israel và Palestine đã có cuộc gặp đầu tiên tại Washington để khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình sau 3 năm gián đoạn. 

Đây được cho là một thắng lợi ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tuy nhiên các nhà phân tích chính sách đối ngoại lại tỏ ta hoài nghi về cơ hội thành công của các cuộc đàm phán.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry and Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni (Ảnh Reuters)


Ông Kerry cho biết, ông nhận thức rõ được những nghi ngờ về khả năng thành công của vòng đàm phán đầu tiên này nhưng ông cũng khẳng định nó tập trung vào quá trình chứ không phải nội dung và mô tả đó là vòng đàm phán mang tính “xây dựng và tích cực”.

Phát biểu sau các cuộc họp, bao gồm một phiên họp kín với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng cũng như các cuộc đàm phán giữa 2 bên không có sự hiện diện của phía Mỹ, ông Kerry cho rằng có thể đạt được hòa bình bất chấp những trở ngại.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni và Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat, ông Kerry một lần nữa khẳng định việc chấm dứt xung đột chỉ có thể được giải quyết trên bàn đàm phán.

Ông Kerry nói: “Chúng ta không thể đùn đẩy trách nhiệm kết thúc một cuộc xung đột cho thế hệ sau, trong khi khả năng của chúng ta có thể giải quyết được”.

Các quan chức Mỹ từ chối mô tả chi tiết về cuộc đàm phán và chưa khẳng định việc có tiếp tục tham gia vào các vòng đàm phán tiếp theo ở Israel hoặc Palestine hay không.

Chính quyền Mỹ đang tìm cách để giúp Israel và Palestine đạt được thỏa thuận về một giải pháp 2 nhà nước, theo đó, Israel sẽ tồn tại một cách hòa bình bên cạnh một nhà nhà nước Palestine mới được hình thành ở Bờ Tây và Dải Gaza, vùng đất đã bị Israel chiếm đóng kể từ năm 1967.

Trước đó, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa 2 nước diễn ra lần cuối cùng vào năm 2010 đã sụp đổ với việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Mục tiêu cuối cùng của các cuộc đàm phán sẽ là giải quyết các vấn đề biên giới, tương lai của các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, số phận của người tị nạn Palestine.

Trưởng đoàn đàm phán của Palestine, Saeb Erakat đã ca ngợi những nỗ lực bền bỉ của ông Kerry để nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ trong ba năm qua. Ông Erakat nói: "Người dân Palestine là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thành công của nỗ lực này".

"Tôi rất vui mừng khi tất cả các vấn đề đang được bàn thảo và không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Đã đến lúc người dân Palestine có một nhà nước có độc lập chủ quyền của riêng mình."

Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni, trưởng đoàn đàm phán của nước này nói rằng bà hy vọng rằng một "tia hy vọng" sẽ xuất hiện từ các cuộc đàm phán mới.

Bà Livni nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là cùng nhau làm việc để biến hy vọng thành một điều gì đó thực tế và bền vững”.

Trước khi cuộc đàm phán ở Washington khai mạc, ngày 28/7, nội các Israel đã có một động thái tích cực khi phê chuẩn thả tự do cho 140 tù nhân Palestine theo nhiều giai đoạn. Hiện vẫn còn hàng nghìn tù nhân Palestine vẫn bị giam giữ trong các nhà tù của Israel./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên