Đàm phán Mỹ- Triều: Ai sẽ là người bước lên trước?
VOV.VN - Cả Mỹ và Triều Tiên đều kêu gọi lẫn nhau phải đưa ra những hành động khôn ngoan để đạt được thỏa thuận giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay.
Cơ hội đối thoại đang mở ra trên bán đảo Triều Tiên sau khi Mỹ và Hàn Quốc ngày 17/11 có một động thái được cho là thiện chí khi hoãn cuộc tập trận quân sự chung mà Triều Tiên nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Mỹ và Triều Tiên đều kêu gọi lẫn nhau phải đưa ra những hành động khôn ngoan để đạt được thỏa thuận giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hiện nay là bên nào sẽ bước lên trước.
Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại khu phi quân sự (DMZ) liên Triều. Ảnh: NK news |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "hành động nhanh" và đạt được một thỏa thuận với ông về việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump thúc giục nhà lãnh đạo Triều Tiên sớm hành động để hoàn tất thỏa thuận, đồng thời để ngỏ lời hẹn "Sớm gặp lại!".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trước đó cũng khẳng định sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên.
“Mỹ đang mở mọi kênh ngoại giao để thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên. Mỹ và các đối tác đang thúc đẩy việc giải quyết vấn đề hạt nhân với Triều Tiên thông qua đàm phán. Việc Mỹ không phản ứng quá mức với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng là thiện chí không đóng cánh cửa đàm phán”, ông Esper nhấn mạnh.
Triều Tiên thời gian gần đây cũng liên tiếp kêu gọi Mỹ cần phải sớm đưa ra đề xuất và hành động khôn ngoan khi hạn chót cuối năm Triều Tiên đặt ra cho Mỹ đang đến gần.
Rõ ràng cả Mỹ và Triều Tiên đều đang rất sốt ruột để thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ. Đối với Triều Tiên, nếu Mỹ tiếp tục phớt lờ hạn chót mà nước này đặt ra, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ buộc phải công bố các chính sách mới trong bài phát biểu năm mới.
Nhiều nhà quan sát dự đoán, Triều Tiên có thể nối lại các hoạt động thử tên lửa tầm xa và hạt nhân, đảo ngược hoàn toàn tiến trình đàm phán giữa các bên trong gần 2 năm qua. Trong khi đó, đối với Mỹ và Hàn Quốc, lãnh đạo hai nước cũng muốn sớm ổn định vấn đề hạt nhân Triều Tiên để tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội bổ sung tại hai nước này.
Thiện chí là vậy nhưng “làm thế nào để thúc đẩy bước tiến” thì cả Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa làm được. Thay vào đó là hai bên vẫn không ngừng đặt ra các điều kiện đòi hỏi bên kia nhượng bộ. Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm qua khẳng định, lập trường vấn đề hạt nhân sẽ không được đưa ra thảo luận, trừ khi Mỹ từ bỏ “chính sách thù địch” với Triều Tiên. Trong khi Mỹ thì khẳng định Triều Tiên cần bước vào bàn đối thoại ngay lập tức và không điều kiện tiên quyết.
Tờ Choson Sinbo tại Nhật Bản cho rằng, với tình hình hiện nay thì Tổng thống Trăm không có lựa chọn nào khác là nhượng bộ trước yêu cầu của Triều Tiên. Đã đến thời điểm Tổng thống Mỹ đưa ra các phương pháp tính toán mới, vì thời gian Triều Tiên đặt ra cho Mỹ là cuối tháng 12 đang đến gần. Việc Mỹ và Hàn Quốc hoãn cuộc tập trận quân sự chung là bước đi thiện chí, xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Hiện các bên cũng đang tích cực tham vấn với các đối tác để thúc đẩy đàm phán. Bộ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ngày 18/11 tới Mỹ để thảo luận về mối quan hệ song phương và đặc biệt là có cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steven Biegun nhằm trao đổi cách thức nối lại các cuộc đàm phàn về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên bà Choe Son Hui ngày 18/11 cũng rời thủ đô Bình Nhưỡng đến Nga. Theo các nguồn tin ngoại giao, hiện chưa rõ mục đích chuyến công du Nga của bà Choe Son Hui, song quan chức này có thể sẽ trao đổi quan điểm với giới chức nước chủ nhà về cách thức xúc tiến thương lượng với Mỹ./.