Đàm phán thành lập Chính phủ tại Đức khởi đầu thuận lợi
VOV.VN - Các nhà đàm phán thuộc Liên minh Bảo thủ của Thủ tướng Merkel đều nhận định, cả hai bên đang đạt được những tiến bộ đáng kể.
Cùng với việc nhất trí giảm thuế thu nhập cho tầng lớp nhà giàu, hôm qua (8/1), các nhà đàm phán thuộc Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng đã đạt được thỏa thuận từ bỏ mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm 40% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.
Đây được coi là những tín hiệu tích cực đầu tiên trong việc đàm phán thành lập chính phủ liên minh tại Đức.
Tại cuộc đàm phán thăm dò thành lập chính phủ, liên đảng Bảo thủ (CDU/CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đều cho rằng, mục tiêu cắt giảm lượng khí thải từ nay đến năm 2020 mà Chính phủ Đức đặt ra trước đó là khó có thể thực hiện được.
Thay vào đó, các nhà đàm phán của hai bên đã nhất trí sẽ đạt được mục tiêu giảm 40% lượng khí thải vào đầu những năm 2020. Một số nguồn tin đáng tin cậy còn cho biết, các bên tham gia đàm phán vẫn trung thành với mục tiêu của mình là cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030.
Theo các nhà đàm phán, do nền kinh tế Đức tăng trưởng mạnh và lượng người nhập cư cao hơn so với dự kiến nên nước này có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu giảm khí thải quốc gia vào năm 2020 mà không có bất cứ giải pháp nào thay thế.
Các nhà đàm phán thuộc Liên minh Bảo thủ của Thủ tướng Merkel đều nhận định, cả hai bên đang đạt được những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn còn có nhiều việc phải làm trước khi các nhà lãnh đạo đảng các bên có thể thảo luận về một văn bản chính sách chung và toàn diện.
Lãnh đạo Đảng CDU, ông Peter Kauder cho biết: “Nếu mọi người cố gắng và nếu bầu không khí tốt đẹp gần đây được duy trì thì có lẽ sẽ đạt được một kết quả nào đó. Song vẫn còn rất nhiều công việc phía trước đợi chúng tôi. Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm một kết quả quan trọng khác”.
Bên cạnh đó, theo tài liệu do hãng tin Reuters của Anh cung cấp, các bên tham gia đàm phán cũng đạt được sự đồng thuận rằng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện ở Đức sẽ tăng 65% vào năm 2030 so với mức 1/3 của năm 2016. Đức bắt đầu các đàm phán lập chính phủ liên minh mới
Được biết, hiện Chính phủ Đức có kế hoạch tăng hạn mức năng lượng tái tạo lên 45 - 55% vào năm 2025. Ngoài ra, các nhà đàm phán cũng đồng ý cắt giảm thuế điện nhằm giảm chi phí năng lượng và lên kế hoạch đấu thầu thêm 4 gigawatt (GW) năng lượng mặt trời cũng như năng lượng gió ở đất liền và ngoài khơi. Tuy nhiên, những thỏa thuận này vẫn cần phải được các nhà lãnh đạo đảng thông qua.
Trước đó, cũng trong cuộc đàm phán thăm dò, liên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Đức và Đảng Dân chủ xã hội (SPD) đã nhất trí giảm thuế thu nhập cho tầng lớp nhà giàu. Các bên đều muốn nâng mức “sàn” thu nhập bị đánh thuế 42% từ mức 53.700 euro/năm hiện nay lên mức 60.000 euro/năm.
Giới quan sát cho rằng đây được coi là những tín hiệu tích cực ban đầu trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh, cũng như một tín hiệu về sự nhượng bộ của Đảng SPD đối với một trong những cam kết tranh cử của Thủ tướng Merkel.
Tuy nhiên, Liên minh Bảo thủ (CDU/CSU) và SPD vẫn cần phải tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khác như chính sách nhập cư, tương lai của Liên minh châu Âu (EU) và kinh tế. Theo kế hoạch, trong cuộc đàm phán thăm dò dự kiến kéo dài 5 ngày này, liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel và SPD sẽ thảo luận 15 chủ đề, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài chính/thuế, kinh doanh, năng lượng, gia đình và người di cư, hội nhập... Một báo cáo kết quả các cuộc đàm phán sẽ được công bố vào ngày 12/1 tới.
Những kết quả đàm phán ban đầu với Đảng SPD đang cho thấy sự liên kết này là lần “đặt cược” tốt của Thủ tướng Đức Merkel trong việc thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn khác đã thất bại. SPD từng là một phần của “Đại liên minh” với liên Đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm vừa qua. Sau cuộc bầu cử vừa qua với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này đã tuyên bố sẽ trở thành phe đối lập. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đảng này đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức.
Nếu các cuộc đàm phán lần này thành công, một chính phủ mới sẽ có thể được thành lập trước lễ Phục sinh. Trong trường hợp ngược lại, nước Đức sẽ hoặc phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do Thủ tướng Merkel lãnh đạo./. Đức khởi động vòng đàm phán cuối cùng thành lập Chính phủ liên minh
Cánh cửa cho lối thoát chính trị tại Đức