Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Trump lạc quan, chuyên gia thận trọng
VOV.VN - Trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, một số tiến triển quan trọng đã đạt được nhưng các bất đồng căn bản giữa hai bên vẫn chưa thể giải quyết.
Vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung diễn ra hai ngày 30 và 31/1 tại thủ đô Washington đã chính thức khép lại sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng.
Một số tiến triển quan trọng đã đạt được nhưng các bất đồng căn bản giữa hai bên vẫn chưa thể giải quyết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Axios. |
Tại cuộc gặp Tổng thống Donald Trump, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã trao cho ông chủ Nhà Trắng bức thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong thư, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng hai nước tiếp tục thực thi hành động trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng và có thể đáp ứng đòi hỏi của nhau nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót là ngày 1/3 tới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đồng thời cảm ơn Tổng thống Donald Trump dành thời gian tiếp, cho biết ông trông đợi một phái đoàn Mỹ sẽ đến Bắc Kinh vào tháng sau và hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó Tổng thống Donald Trump khẳng định, phái đoàn Mỹ sẽ đến Bắc Kinh và cuối cùng ông có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hiện thực hóa thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Hiện Nhà Trắng vẫn chưa thông báo về bất kỳ thời gian và địa điểm nào cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng theo một số nguồn tin, phía Trung Quốc đang đề nghị tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại đảo Hải Nam vào cuối tháng này. Thông tin này được xem là có cơ sở, bởi Nhà Trắng đã khẳng định là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Kim Jong-un sẽ diễn ra tại một quốc gia châu Á vào thời điểm đó.
Trước đó cùng ngày, phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng nhân dịp ký Sắc lệnh hành pháp về tăng cường ưu đãi mua hàng hóa của Mỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng sẽ là một thỏa thuận rất toàn diện. Thỏa thuận đó sẽ bao quát mọi lĩnh vực.”
Tuy nhiên, một đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cho rằng hiện vẫn còn một số trở ngại then chốt để đạt được thỏa thuận thương mại cuối cùng giữa hai bên.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên qua điện thoại, ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành và là người phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ cho biết, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất về việc tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng của Mỹ như đậu tương, ngô và mở cửa thị trường trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào liên quan tới những đòi hỏi của Washington về việc chấm dứt ép buộc các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ hoặc trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi thông cáo báo chí của Nhà Trắng phát đi sau khi kết thúc đàm phán nêu rõ, trong hai ngày qua, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán căng thẳng và hiệu quả về mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Mỹ đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự chuyên cần và chuyên nghiệp mà Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và nhóm đàm phán của ông thể hiện trong các cuộc họp với phái đoàn Mỹ.
Mỹ “khuấy động” Venezuela để chặn nguồn cung dầu cho Trung Quốc?
Các cuộc thảo luận giữa hai bên đã đề cập một loạt các vấn đề như: những cách thức mà các công ty Mỹ bị gây sức ép phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc; sự cần thiết bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc; những rào cản thuế quan và phi thuế quan mà các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải đối mặt; sự cần thiết phải loại bỏ các rào cản thị trường và thuế quan vốn hạn chế doanh số bán hàng hóa, dịch vụ và nông sản của Mỹ cho Trung Quốc... Hai bên cũng thảo luận về sự cần thiết phải giảm thâm hụt thương mại khổng lồ và ngày càng tăng giữa Mỹ với Trung Quốc.
Hai bên đồng thời cho thấy sự sẵn sàng tham gia vào tất cả các vấn đề lớn và các phiên đàm phán kỹ thuật nhằm giải quyết những khác biệt còn tồn tại. Mỹ đặc biệt tập trung vào việc đạt được các cam kết có ý nghĩa về vấn đề cơ cấu kinh tế và giảm thâm hụt thương mại. Cả hai bên đã đồng ý rằng bất kỳ quyết định nào sẽ được thực thi đầy đủ.
Tiến bộ đã được nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tổng thống Donald Trump đã nhắc lại rằng thỏa thuận ngưng chiến thương mại 90 ngày đạt được ở Buenos Aires cho thấy một giới hạn khó khăn và mức thuế của Mỹ áp đặt đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu sẽ tăng lên 25% so mức hiện tại là 10%, trừ khi hai bên đạt được kết quả khả quan vào ngày 1/3 tới.
Theo giới quan sát, chỉ còn đúng một tháng nữa là đến thời hạn chót, trong khi những trở ngại căn bản vẫn còn đó. Nếu các nhà đàm phán thương mai hàng đầu của hai nước không thực sự quyết tâm, chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau trong một số khía cạnh có thể, Mỹ và Trung Quốc rất khó đạt được thỏa thuận toàn diện như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump./.