Đằng sau cáo buộc mạnh mẽ nhất của NATO với Trung Quốc về quan hệ với Nga
VOV.VN - Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga đang đối mặt với chỉ trích từ Washington và đồng minh sau khi NATO đưa ra cáo buộc mạnh mẽ nhất từ trước đến nay rằng, công nghệ Trung Quốc đang được sử dụng trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh tuần này ở Washington đã tuyên bố Bắc Kinh "không thể tạo điều kiện cho cuộc xung đột lớn nhất châu Âu gần đây" mà không đối mặt với hậu quả.
Các quan chức Mỹ và châu Âu, các cơ quan tình báo cùng các chuyên gia an ninh cáo buộc, bất chấp mạng lưới mở rộng các lệnh cấm và giới hạn của phương Tây, chất bán dẫn, công cụ máy móc và các thiết bị khác của Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp vũ khí của Nga, giúp Moscow duy trì chiến dịch tại Ukraine.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố mối quan hệ khăng khít giữa hai nước này là bức tường thành chống lại sự chi phối của Mỹ với thế giới. Ông Tập Cận Bình cũng được cho là sẽ không dễ dàng nhượng bộ trước những yêu cầu của NATO.
Tại sao NATO đề cập đến Trung Quốc?
Tuyên bố của NATO hôm 10/7 là đầy đủ nhất cho đến nay về Trung Quốc, ngụ ý rằng chính phủ 32 nước thành viên sẽ tăng cường hành động đối phó với Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu các linh kiện và công nghệ lưỡng dụng sang Nga.
"Đây là một động thái rất hiếm hoi của NATO khi công khai cáo buộc Trung Quốc và tuyên bố rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga", Liou Shiau-shyang, một chuyên gia về Trung Quốc và Nga thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng tại Đài Loan (Trung Quốc) cho hay.
Trong những năm gần đây, NATO đã lên tiếng nhiều hơn về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là mối quan hệ thương mại và xuất khẩu công nghệ của nước này sang Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Giới lãnh đạo NATO gọi Bắc Kinh là nước ủng hộ mang tính quyết định cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine. Họ cũng cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động gián điệp mạng và làm sai lệch thông tin, đồng thời gọi đây là "những thách thức mang tính hệ thống với an ninh châu Âu và Đại Tây Dương".
Mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc
Theo New York Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin coi nhau là những nhà lãnh đạo cùng chí hướng với những lợi ích căn bản chung trong việc đối phó với sức ép và sự bao vây từ Mỹ cùng các đồng minh. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Putin hơn 40 lần kể từ khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012 và lần gần đây nhất chỉ cách đây hơn 1 tuần.
Vào đầu năm 2022, vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định mối quan hệ đối tác "không giới hạn".
Bắc Kinh cũng từ chối chỉ trích Nga. Dù vậy, Trung Quốc cho thấy có một số giới hạn trong việc ủng hộ Nga khi nước này tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và duy trì khả năng tiếp cận các ngân hàng Mỹ. Các công ty Trung Quốc gần đây thường tránh xuất khẩu toàn bộ hệ thống vũ khí sang Nga vì có thể bị các chính phủ phương Tây cấm vận và trừng phạt, New York Times cho hay.
Thay vào đó, các nhà sản xuất và các nhà kinh doanh Trung Quốc đã chuyển sang bán các "công nghệ lưỡng dụng" khi chúng có thể triển khai cho các nhu cầu dân sự hoặc quân sự.
Trung Quốc cho và nhận những gì?
Theo New York Times, ngày càng nhiều bằng chứng từ các cơ quan tình báo nước ngoài, các nhà điều tra và các nhà báo cho thấy các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng xuất khẩu công nghệ được sử dụng trong các UAV, máy bay quân sự, tên lửa và các vũ khí khác của Nga trên chiến trường Ukraine. Đôi khi một số công ty Trung Quốc còn bán các thành phần như thiết bị cảm biến ánh sáng hoặc chip điện tử để sử dụng cho các vũ khí Nga.
Theo các nhà quan sát, những động thái trên của Trung Quốc đã góp phần quan trọng duy trì những nỗ lực chiến đấu của Nga, thậm chí cả khi Bắc Kinh không bán vũ khí đã lắp ráp. Chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với hàng chục công ty Trung Quốc cũng như những nơi khác bán các bộ phận trên.
"Đôi khi, các công ty Trung Quốc cung cấp cho Nga sử dụng chuỗi công ty trung gian có thể bao gồm hơn chục công ty", một đánh giá về các lệnh trừng phạt Nga từ Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ công bố vào tháng 4 cho hay.
Nga cũng bị cáo buộc mua trái phép các bộ phận từ các công ty phương Tây. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Trường Kiev và Nhóm hợp tác quốc tế Yermak-McFaul về các biện pháp trừng phạt của Nga cho biết, 59% lượng nhập khẩu “các bộ phận quan trọng” của Nga có thể dùng trong các thiết bị giao tranh đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tại sao NATO nhắm vào Trung Quốc thời điểm này?
Cảnh báo của NATO dường như phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng các lực lượng ngày càng mạnh lên của Nga, mà các nước NATO cho là do Trung Quốc hỗ trợ, đang khiến Ukraine rơi vào thế bất lợi. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo vào tháng trước rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc đã giúp Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Blinken cho rằng, khoảng 70% nhập khẩu công cụ máy móc và 90% thiết bị vi điện tử của Nga đến từ Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ nhận định: "Điều đó đã cho phép Nga duy trì hoạt động của các cơ sở công nghiệp quốc phòng" và duy trì nguồn lực để tiếp tục chiến dịch quân sự.
Các thành phần công nghệ của Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng với các lực lượng của Nga khi họ học hỏi những cách thức mới để gây nhiễu và cản trở UAV cũng như liên lạc của các lực lượng Ukraine, Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin nhận định.
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc nắm bắt những đổi mới của Nga và cách Moscow đang thực hiện điều đó”, ông Gabuev nói.
Phản ứng của Trung Quốc trước cảnh báo của NATO
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc từ Washington và các nước phương Tây khác rằng kim ngạch thương mại giữa nước này với Nga đã hỗ trợ chiến dịch của Moscow ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết: “Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Washington” của NATO đã phóng đại tình hình căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chứa đựng tâm lý Chiến tranh Lạnh và những nhận xét mang tính thành kiến, khiêu khích trong nội dung liên quan đến Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối và đã có những giao thiệp “nghiêm khắc” với NATO”. Ông cũng cảnh báo về tổn hại trong quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu.
Natalie Sabanadze, học giả nghiên cứu cấp cao tại Chatham House ở London cho rằng các nước EU sẽ "bắt đầu trừng phạt các công ty Trung Quốc từ từ, trong khi cân nhắc những hệ quả và phản ứng đáp trả một cách thận trọng".
Theo bà, cảnh báo của NATO "nói với Trung Quốc rằng nước này sẽ phải trả giá".
Các công ty Trung Quốc có thể tránh những rủi ro đó bằng cách rút lui, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, khỏi một số hoạt động buôn bán công nghệ với Nga, chuyên gia Liou nói. Nhưng về dài hạn, ông và các chuyên gia khác cho rằng Trung Quốc khó có khả năng quay lưng lại với Nga.
Trong khi NATO kêu gọi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu công nghệ quan trọng sang Nga thì liên minh này cũng miêu tả Bắc Kinh là mối đe dọa mang tính hệ thống với phương Tây.