Đằng sau sự hợp tác mạnh mẽ giữa Nga và Triều Tiên bất chấp áp lực từ Mỹ
VOV.VN - Nga và Triều Tiên đang hướng tới mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn bấp chấp áp lực gia tăng của Mỹ và các đồng minh.
Trong chuyến thăm Nga hồi tuần trước của Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật, đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm Triều Tiên dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA) hôm qua dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin là người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên và nồng nhiệt chào đón nhà lãnh đạo Nga đến thăm Bình Nhưỡng với sự chân thành nhất. Nếu diễn ra, thì đây sẽ là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của Tổng thống Putin sau hơn 2 thập kỷ.
Chuyến thăm Nga hồi tuần trước của Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui được xem là nhằm cụ thể hoá các kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 9 năm ngoái tại vùng Viễn Đông của Nga. Đánh giá về chuyến thăm này, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ca ngợi đây là bước tiến quan trọng để hai nước phát triển quan hệ chiến lược và định hướng tương lai. Hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật để thiết lập một trật tự quốc tế đa cực mới.
Trước đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết: “Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Choe Son Hui đã thảo luận về quan hệ song phương nói chung, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế cấp bách nhất. Nhưng điểm nhấn chính là sự phát triển của quan hệ song phương. Đây là điều mà chúng tôi đã nhiều lần nói tới và tôi cũng xin một lần nữa nhắc lại rằng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là đối tác rất quan trọng của Nga và chúng tôi hướng tới phát triển hơn nữa mối quan hệ trong các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm”.
Những tháng vừa qua đã chứng kiến sự hợp tác mạnh mẽ giữa Nga và Triều Tiên. Tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái, nhà lãnh đạo Nga đã đồng ý hỗ trợ chương trình không gian của Triều Tiên và tháng 11 sau đó, Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh do thám quân sự dầu tiên. Nước này cũng cho biết có kế hoạch phóng thêm ít nhất 3 vệ tinh nữa trong năm nay.
Hiện có những lo ngại tại Mỹ và Hàn Quốc về sự hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên có thể cung cấp đạn dược cho Nga để đổi lấy viện trợ kinh tế và hỗ trợ quân sự cần thiết để nâng cao năng lực của các lực lượng Triều Tiên. Tuy nhiên, cả Nga và Triều Tiên đều bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc này, khẳng định hợp tác giữa hai nước là phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên kể từ năm 2022 với liên tiếp các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Đầu năm 2023, Triều Tiên đã lần đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Hiến pháp nhằm phản ứng trước sự hợp tác hạt nhân ngày càng sâu sắc giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội Triều Tiên) khóa 14, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuần trước đã tuyên bố, Triều Tiên đang từ bỏ mục tiêu lâu dài là tái thống nhất hoà bình Bán đảo Triều Tiên và yêu cầu viết lại Hiến pháp để đánh giá lại mối quan hệ với Hàn Quốc.