Đằng sau việc Nga phủ quyết dự thảo của Mỹ về vũ khí hạt nhân trong không gian
VOV.VN - Ngày 24/4, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ và Nhật Bản bảo trợ, kêu gọi tất cả các quốc gia ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm ngoài không gian.
Cuộc bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an 15 thành viên có 13 phiếu thuận, Nga phản đối và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết sẽ kêu gọi tất cả các quốc gia không phát triển hoặc triển khai vũ khí hạt nhân hay vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác trong không gian, những điều đã bị cấm theo Hiệp ước quốc tế năm 1967, bao gồm cả Mỹ và Nga, đồng thời tán thành về nhu cầu xác minh việc tuân thủ.
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết sau cuộc bỏ phiếu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.
"Cuộc bỏ phiếu hôm nay đặt ra câu hỏi: Tại sao? Tại sao nếu bạn tuân theo các quy tắc thì bạn lại không ủng hộ một nghị quyết xác nhận chúng? Bạn đang che giấu điều gì?", bà Linda Thomas-Greenfield nói.
Tuyên bố trên của Tổng thống Putin được cho là nhằm phản ứng trước nhận định của Nhà Trắng hồi tháng 2 rằng Nga đã phát triển được vũ khí chống vệ tinh mặc dù vũ khí này chưa đưa vào vận hành.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 24/4 cũng nhấn mạnh về việc “Mỹ cho rằng Nga đang phát triển một vệ tinh mới mang thiết bị hạt nhân”. Nếu Tổng thống Putin không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, “Nga sẽ không phủ quyết nghị quyết này”.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia bác bỏ nghị quyết trên và cho rằng nó "hoàn toàn vô lý và bị chính trị hóa", đồng thời tuyên bố nghị quyết chưa đi đủ xa trong việc cấm tất cả các loại vũ khí trong không gian.
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc đã đề xuất sửa đổi dự thảo Mỹ - Nhật nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có tiềm năng lớn về không gian, “ngăn chặn vĩnh viễn việc lắp đặt vũ khí và đe dọa sử dụng vũ lực ngoài không gian”.
Cuộc bỏ phiếu có 7 quốc gia tán thành, 7 quốc gia phản đối và một quốc gia bỏ phiếu trắng. Bản sửa đổi đã không thể thông qua vì không đạt được tối thiểu 9 phiếu thuận cần thiết.
Mỹ phản đối bản sửa đổi và sau cuộc bỏ phiếu, ông Nebenzia đã chất vấn đại sứ Mỹ về việc Nga muốn có một lệnh cấm lắp đặt bất kỳ loại vũ khí nào ngoài không gian, không chỉ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng tại sao Mỹ lại không muốn điều này.
Ông Nebanzia cho biết phần lớn ý đồ của Mỹ và Nhật Bản dần trở nên rõ ràng hơn “nếu chúng ta nhớ lại rằng Mỹ cùng các đồng minh cách đây một thời gian đã công bố kế hoạch đặt vũ khí ngoài không gian”.
Đại sứ Nga Nebenzia cáo buộc Mỹ ngăn chặn bản kiến nghị năm 2008 của Nga và Trung Quốc về một hiệp ước chống đưa vũ khí ra ngoài không gian.
Trong khi đó, bà Thomas-Greenfield cũng đưa ra cáo buộc rằng Nga đã phá vỡ các hiệp ước toàn cầu nhằm ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, đưa ra “những lời lẽ hạt nhân nguy hiểm”, trốn tránh một số nghĩa vụ trong việc kiểm soát vũ khí và từ chối tham gia “các cuộc thảo luận thực chất về kiểm soát vũ khí hoặc giảm thiểu rủi ro”.
Bà Thomas-Greenfield kêu gọi cuộc bỏ phiếu ngày 24/4 là “một cơ hội thực sự đã bị bỏ lỡ để xây dựng lại niềm tin thiết yếu vào các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí hiện có”.
Thông báo của bà Thomas-Greenfield về nghị quyết ngày 18/3 được đưa ra sau khi Nhà Trắng xác nhận vào tháng 2/2024 rằng Nga đã có đủ năng lực để sử dụng vũ khí chống vệ tinh “đáng lo ngại”, dù cho loại vũ khí này vẫn chưa đi vào hoạt động.
Nhưng theo ông Putin, Moscow không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, đồng thời tuyên bố rằng nước này chỉ phát triển năng lực không gian tương tự như Mỹ.
Bên cạnh đó, trước cuộc bỏ phiếu bà Thomas-Greenfield cho biết thế giới mới bắt đầu hiểu về “những hậu quả thảm khốc của một vụ nổ hạt nhân trong không gian”. Theo bà Thomas-Greenfield, “Nó có thể phá hủy “hàng nghìn vệ tinh do các quốc gia và công ty trên khắp thế giới vận hành – đồng thời xóa sạch các hệ thống thông tin liên lạc, khoa học, khí tượng, nông nghiệp, thương mại và an ninh quốc gia quan trọng mà tất cả chúng ta đều đang phụ thuộc vào”.
Dự thảo nghị quyết không được thông qua này cho biết “việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ sẽ ngăn chặn mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”, đồng thời thúc đẩy tất cả các quốc gia thực hiện các hoạt động khám phá và sử dụng không gian vũ trụ tuân thủ theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Dự thảo khẳng định rằng các quốc gia phê chuẩn Hiệp ước Ngoài vũ trụ năm 1967 phải tuân thủ nghĩa vụ không đưa “bất kỳ vật thể nào” có vũ khí hủy diệt hàng loạt vào quỹ đạo quanh Trái đất hoặc lắp đặt chúng “trên các thiên thể hoặc đặt những vũ khí đó ngoài không gian”.
Dự thảo nghị quyết cũng nhấn mạnh “sự cần thiết của các biện pháp tiếp theo, bao gồm các cam kết chính trị và các công cụ ràng buộc về mặt pháp lý, cùng với các điều khoản xác minh phù hợp và hiệu quả, nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ trên tất cả các phương diện”.
Bản dự thảo cũng nhắc lại rằng Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc tại Geneva có trách nhiệm chính trong việc đàm phán các thỏa thuận về ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian.
Tại cuộc họp hội đồng vào tháng 3/2024, thời điểm sáng kiến Mỹ - Nhật được đưa ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã cảnh báo rằng “căng thẳng địa chính trị và sự ngờ vực đã đẩy nguy cơ chiến tranh hạt nhân leo thang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ”.
Ông António còn cho biết bộ phim “Oppenheimer” kể về Robert Oppenheimer, người chỉ đạo dự án phát triển bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến thứ hai “đã mang hiện thực phũ phàng về ngày tận thế hạt nhân trở nên rõ ràng hơn với hàng triệu người trên khắp thế giới”.
Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, “nhân loại không thể sống sót ở phần tiếp theo của Oppenheimer”.