Đánh bại IS tại Syria: “Cột mốc lịch sử” nhưng mối đe dọa vẫn hiện hữu
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, mối đe dọa của IS vẫn hiện hữu, với các nhánh của tổ chức này đang “ngủ đông”, chờ thời cơ lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới.
Tin tức về việc Mỹ và Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) tuyên bố chính thức “dọn sạch” hang ổ cuối cùng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria tràn ngập trên các mạng truyền thông quốc tế. Sự kiện này được đánh giá là một “cột mốc lịch sử” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, nhưng giới phân tích cũng cho rằng, mối đe dọa của IS vẫn hiện hữu, với các nhánh của Tổ chức này đang “ngủ đông” để chờ thời cơ lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới.
Giới phân tích cho rằng, mối đe dọa của IS vẫn hiện hữu, với các nhánh của tổ chức này đang “ngủ đông”, chờ thời cơ lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Politico |
Một buổi lễ ăn mừng chiến thắng được tổ chức gần Baghouz thành trì cuối cùng của IS ở miền Đông Syria. Phát biểu tại buổi lễ, Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), nhóm vũ trang do người Cuốc đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria uyên bố đã đánh bại hoàn toàn tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria.
Người phát ngôn Các Lực lượng dân chủ Syria Mustefa Bali cho biết: “Chúng tôi tự hào về những gì đạt được trong cuộc chiến chống IS và Al Qaeda. Điều này được thể hiện trong việc cứu gần 5 triệu người từ khu vực bắc và đông Syria. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khẳng định rằng cuộc chiến chống IS sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi mục tiêu thành công hoàn toàn và cho đến khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn được tổ chức này”.
Chiến thắng tại Baghouz là một cột mốc lớn trong cuộc chiến chống IS của các lực lượng trong khu vực và quốc tế trong suốt hơn 4 năm qua. Đây cũng được coi là một thời khắc quan trọng trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria đã bước sang năm thứ 9, với một trong những tổ chức nổi dậy khét tiếng với lực lượng lớn đã bị đánh bật khỏi quốc gia này.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng hoan nghênh thông tin tốt lành này. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/3 cho rằng IS đã mất tất cả, kể cả quyền lực lẫn uy tín. Tuy nhiên Tổng thống nhấn mạnh, Mỹ vẫn sẽ đề cao cảnh giác và phối hợp với các đối tác, các đồng minh, chiến đấu với IS cho đến khi tổ chức này bị đánh bại hoàn toàn.
Phát biểu tại buổi lễ mừng chiến thắng gần Baghouz, Phó Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Syria William Roebuck cũng thông báo: “Chúng tôi xin chúc mừng người dân Syria, đặc biệt là Các lực lượng dân chủ Syria trong việc tiêu diệt IS và giải phóng các vùng lãnh thổ còn lại tại phía đông Syria do IS kiểm soát. Đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống IS, giáng một đòn nặng nề vào tổ chức này cũng như thể hiện cam kết không thay đổi của các đối tác địa phương và liên minh toàn cầu trong cuộc chiến đánh bại IS”.
Lãnh đạo các nước Anh và Pháp cũng đã có những phản ứng tích cực trước thông tin thành trì cuối cùng của tổ chức này sụp đổ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, sự kiện chiến thắng hoàn toàn IS đánh dấu một thành công lớn của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Xen lẫn sự lạc quan là thận trọng về mối đe dọa của IS vẫn hiện hữu, bất chấp việc cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" do các phần tử IS dựng lên ở Syria đã bị sụp đổ. Mặc dù đã tuyên bố giành chiến thắng nhưng theo các nhân chứng, tiếng đạn pháo vẫn tiếp diễn đêm qua tại Baghouz. Một số tay súng IS vẫn cố thủ tại các khu vực sa mạc xa xôi của Syria, trong khi các phần tử IS cũng đang “ngủ đông” tại các thành phố của Iraq, chờ thời cơ thực hiện các vụ xả súng hay bắt cóc.
Không chỉ Iraq và Syria, các phần tử cực đoan của Tổ chức này có tại nhiều nơi khác như Afghanistan, Nigeria hay bất cứ tại quốc gia phương Tây nào- nơi những kẻ ủng hộ IS một cách âm thầm vẫn có thể thực hiện các vụ tấn công mới. Ngoài ra, cỗ máy tuyên truyền của IS trên không gian mạng có thể “tạo cảm hứng” cho các vụ tấn công trên khắp khu vực và cả ra ngoài Trung Đông.
Giới chuyên gia cảnh báo, việc giành lại kiểm soát phần lãnh thổ của IS tại Syria cũng không đồng nghĩa với sự chấm dứt các tư tưởng cực đoan và nguy cơ đe dọa khủng bố của tổ chức. Sức mạnh quân sự có thể đánh bại kẻ thù nhưng không đủ sức để triệt tiêu được chủ nghĩa cực đoan hay thay đổi các điều kiện đã sinh ra chủ nghĩa cực đoan này. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng thừa nhận rằng, đánh bại IS tại Syria là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống IS, nhưng sẽ còn con đường dài phía trước để hoàn thành cuộc chiến./.
Người Kurd ồ ạt dội hỏa lực vào thành trì cuối cùng của IS ở Syria