Đảo chính tại Gabon: Thế cục sớm đi vào ổn định và rất khó bị đảo ngược
VOV.VN - “Thế cục đã định và rất khó bị đảo ngược” là nhận định chung của nhiều nhà phân tích khu vực cũng như quốc tế về cục diện chính trường Gabon sau cuộc đảo chính quân sự mới xảy sáng sớm hôm 30/8.
Sở dĩ cục diện ở Gabon hậu đảo chính có thể nhanh chóng đi vào quỹ đạo ổn định như vậy là vì có nhiều điều kiện và diễn biến trên thực địa rất có lợi cho lực lượng đảo chính.
Tình hình diễn ra mau lẹ
Ngày 2/9, tức chỉ 3 ngày sau tuyên bố giải tán toàn bộ các thể chế Hiến pháp và đóng cửa hoàn toàn biên giới, lực lượng đảo chính quân sự tại Gabon đã quyết định mở lại toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không của nước này. Động thái được tiến hành chỉ một ngày sau khi thủ lĩnh đảo chính, tướng Brice Oligui Nguema, đưa ra cam kết sớm khôi phục tiến trình dân chủ tại đất nước với việc xây dựng Hiến pháp và thông qua luật bầu cử mới. Đồng thời, chính quyền quân sự thông báo kế hoạch tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống lâm thời cho tướng Nguema vào ngày 4/9 tới đây, tức chỉ chưa đầy một tuần sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ali Bongo sáng sớm ngày 30/8.
Theo các nhà phân tích, hàng loạt bước đi được mô tả là đầy tự tin này của chính quyền quân sự tại Gabon cho thấy cục diện chính trường nước này đã sớm đi vào ổn định. Cơ hội và khả năng Tổng thống Ali Bongo có thể lật ngược được tình thế là gần như không tồn tại. Có nhiều điều kiện và nền tảng vững chắc đảm bảo cho xu thế này khó có thể diễn biến khác đi.
Sự ủng hộ ở trong nước
Thứ nhất, về phản ứng trong nước, ngoại trừ lời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp mà Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo đưa ra hôm 30/8, gần như không có bất kỳ hành động/động thái phản kháng, lên án hay chỉ trích nào nhằm vào hành vi lật đổ cũng như bộ máy chính quyền mới được lập ra sau đảo chính. Ngược lại, phong trào quần chúng ủng hộ chính quyền đảo chính lại diễn ra hết sức sôi động với hàng loạt các cuộc biểu tình quần chúng có sự tham gia của đông đảo người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Đồng thời, một số lực lượng chính trị cũng đưa ra phản ứng rất chừng mực, chủ yếu dừng lại ở việc kêu gọi chính quyền quân sự đẩy nhanh tiến trình dân chủ, hoàn toàn không có sự lên án hay chỉ trích hành vi lật đổ. Nhiều nhà phân tích cho rằng hành động phản ứng của các lực lượng chính trị mang thông điệp khá rõ ràng về sự thừa nhận của họ đối với sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của chính quyền đảo chính. Đây là những điều kiện và nhân tố cực kỳ thuận lợi cho phép lực lượng đảo chính có thể tự tin tiếp tục triển khai lộ trình chính trị mới của mình.
Áp lực nhỏ từ bên ngoài
Thứ hai, về động thái của quốc tế, sự lên án và chỉ trích đối với cuộc đảo chính tại Gabon được đánh giá là nhẹ nhàng và ít gay gắt hơn rất nhiều so với sự lên án và phản đối quốc tế nhằm vào hàng loạt cuộc đảo chính xảy ra thời gian qua tại khu vực như Guinea, Mali, Burkina Faso, hay mới đây nhất là Niger. Theo đó, hầu hết các phản ứng chỉ dừng ở mức bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Gabon và kêu gọi sớm lập lại trật tự Hiến pháp, thúc đẩy dân chủ cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo. Gần như không có yêu cầu lập tức khôi phục trật tự Hiến pháp cùng quyền lực cho Tổng thống Ali Bongo giống như các yêu cầu đưa ra trong cuộc đảo chính tại Niger, đó là lập tức khôi phục trật tự Hiến pháp và quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.
Bên cạnh đó, cục diện căng thẳng liên quan đến quan hệ Pháp-Niger hay nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang trong cuộc khủng hoảng ở Niger, cũng được cho là một bối cảnh có lợi cho phe đảo chính tại Gabon, khi nó giúp phân tán bớt sự quan tâm chú ý của dư luận khu vực và quốc tế đối với cuộc đảo chính mới. Nói cách khác, áp lực quốc tế dồn lên phe đảo chính tại Gobon là không đáng kể nếu so sánh với sức ép quốc tế cực kỳ lớn mà các lực lượng đảo chính khác đã phải đối mặt.
Mặc dù vậy, thách thức đặt ra với chính quyền quân sự tại Gabon cũng khá nặng nề. Đầu tiên là phải xây dựng được một lộ trình chuyển tiếp có thể làm hài lòng không chỉ các phe phái chính trị và người dân trong nước, mà còn được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Song song với đó là nhiệm vụ thực hiện việc quản trị đất nước và xã hội một cách hiệu quả, trong đó phải thể hiện được sự thoát li rõ ràng khỏi phương thức quản trị của chế độ cũ vốn đã ổn định và ăn sâu vào đời sống chính trị-xã hội Gabon từ nhiều năm qua.