Dấu chấm hết cho nhân loại khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu?
VOV.VN - Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn khi Mỹ là nước có lượng khí phát thải lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Hôm 31/5, một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Động thái này có thể giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ ở trong nước, song sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Thông tin chi tiết về việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đang được một nhóm thảo luận, trong đó có ông Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Việc rút hoàn toàn khỏi Thỏa thuận này có thể kéo dài trong 3 năm.
Ngay sau khi có thông tin trên, châu Âu tuyên bố, nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu thì đó sẽ là điều “gây thất vọng” song nó sẽ không gây ra thảm họa cho nhân loại, khi châu Âu đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò dẫn đường cho các nước khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu, ông Maros Sefcovic nói: “Chúng tôi có một nền kinh tế mạnh, chúng tôi có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận chống biển đổi khí hậu. Cho dù Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này, thì châu Âu cũng đã sẵn sàng đảm nhiệm cho vai trò đi đầu”.
Canada, Trung Quốc cùng ngày tuyên bố sẽ tôn trọng những cam kết của họ đối với Thỏa thuận này nếu Mỹ rút lui.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định cam kết của họ trong việc thực hiện thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà không đề cập đến Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp Nội các cũng tuyên bố rằng nước này cần chủ động để đảm bảo Thỏa thuận Paris được thực hiện. Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris
Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ giáng một đòn mạnh vào cái gọi là “ngoại giao khí hậu” trong bối cảnh chỉ cách đây 18 tháng, 196 nước đã thông qua Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mang tính lịch sử, sau khi đạt được thỏa thuận với hai nước có lượng phát khí thải CO2 cao nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.Theo thỏa thuận, Mỹ đồng ý sẽ cắt giảm từ 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025.
Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn xem thỏa thuận này không có lợi cho Mỹ. Lúc còn tranh cử ông Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong vòng 100 ngày làm Tổng thống, một phần của nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp dầu mỏ và than của Mỹ.
Sau khi nhậm chức, các nhà đầu tư, cũng như 22 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, trong đó có thủ lĩnh Mitch McConnell đã hối thúc Tổng thống Trump thực hiện đúng cam kết rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Với quyết định rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, Mỹ sẽ đứng cùng phía với Syria và Nicaragua – hai nước không tham gia thỏa thuận này. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thỏa thuận khi Mỹ là nước có lượng khí phát thải lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Ngoài ra các nước ủng hộ thỏa thuận lo ngại quyết định của Mỹ sẽ khiến nhiều nước rút theo, hoặc giảm cam kết cắt giảm khí thải./. Biến đổi khí hậu: EU và Trung Quốc không thể trông đợi vào Mỹ