Dịch Covid-19 trầm trọng ở Ấn Độ, WHO kêu gọi phòng dịch nhất quán và công bằng
VOV.VN - Tình hình Covid-19 đang diễn biến cực kỳ nóng bỏng tại Ấn Độ. Một số nước đã cấm hoặc hạn chế công dân đi sang Ấn Độ...
Trong khi một số nước châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế do số ca nhiễm mới giảm thì tại châu Á, tình hình dịch bệnh lại diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt là điểm nóng Ấn Độ. Anh hôm 19/4 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Ấn Độ vào “danh sách đỏ về cấm đi lại”.
Trước diễn biến trái chiều về dịch bệnh tại một số khu vực trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua (19/4) kêu gọi áp dụng các biện pháp phòng dịch một cách nhất quán và công bằng nhằm đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới.
Trong vòng 1 tuần qua, số ca lây nhiễm Covid-19 mới có xu hướng tăng mạnh tại một số quốc gia châu Á đã buộc các quốc gia này phải nhanh chóng áp đặt các biện pháp phòng chống dịch mạnh tay. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines trong vòng 24 giờ qua tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch bệnh trên, chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh cấm hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho đến ngày 3/5 tới trong khi Malaysia và Philippines tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong nước nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần qua cũng gia tăng mạnh các ca lây nhiễm mới và buộc phải triển khai các quy định mạnh tay trong phòng chống dịch.
Điểm nóng nhất về dịch Covid-19 phải kể đến Ấn Độ. Trong ngày 19/4, quốc gia rộng lớn, với 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục: với hơn 273.800 ca, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca mắc mới vượt hơn 200.000 ca, đưa tổng số ca mắc ở quốc gia Nam Á này lên mức hơn 15 triệu ca, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Trước số ca lây nhiễm tăng mạnh, gây áp lực cho hệ thống y tế, Ấn Độ, một số bang của nước này đã quyết định áp đặt các biện pháp phong tỏa trong nhiều ngày.
Trước diễn biến nghiêm trọng về dịch bệnh tại Ấn Độ, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/4 đã quyết định hủy chuyến thăm Ấn Độ.
Cùng ngày, Anh cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Ấn Độ vào danh sách cấm nhập cảnh. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh: “Sau khi nghiên cứu các dữ liệu và trên cơ sơ phòng ngừa, chúng tôi buộc phải đưa ra một quyết định đầy khó khăn song quan trọng là đưa Ấn Độ vào danh sách đỏ. Điều này có nghĩa là bất cứ ai nếu không phải công dân Anh, công dân Ireland sẽ không được vào Anh, nếu những người này đã ở Ấn Độ trong vòng 10 ngày qua trước khi tới Anh. Quy định sẽ có hiệu lực từ 4 giờ sáng ngày 23/4 tới”.
Tại Anh đã có 103 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng vừa đưa ra khuyến cáo với các công dân nước này tránh đi tới Ấn Độ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 2 đang hoành hành tại quốc gia Nam Á này.
Trong thông báo, CDC Mỹ cho rằng thậm chí những người đã hoàn thành việc tiêm chủng vaccine Covid-19 vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh và làm lây lan các biến thể của SARS-CoV-2. Vì thế, công dân Mỹ cần tránh tất cả các chuyến đi tới Ấn Độ. Trong trường hợp bắt buộc phải tới Ấn Độ, giới chức y tế Mỹ khuyến cáo mọi người cần phải tiêm phòng đầy đủ trước khi đi, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh, tránh các đám đông và rửa tay thường xuyên.
Trước diễn biến trái chiều về tình hình dịch bệnh lên xuống tại một số khu vực trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua kêu gọi áp dụng các biện pháp phòng dịch một cách nhất quán và công bằng nhằm đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta có những công cụ để khống chế đại dịch trong những tháng tới, nếu chúng ta kiên trì áp đặt chúng một cách nhất quán và công bằng. Cuối tuần qua, WHO đã bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng một trung tâm chuyển giao công nghệ Covid-19 về vaccine nhằm tăng sức sản xuất vaccine cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà sản xuất vaccine phân phối công nghệ và cách thức sản xuất cho các nhà sản xuất khác ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Chúng tôi đã chứng kiến sự đổi mới đáng kinh ngạc về khoa học và giờ chúng ta cần kiến thức về sự đổi mới này để đảm bảo rằng mọi người đều nhận được lợi ích từ khoa học”.
Theo thống kê mới nhất, tính đến sáng nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 142 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có có hơn 3 triệu ca tử vong./.