Bước chuyển khi chương trình mục tiêu quốc gia đến với đồng bào
VOV.VN - Năm 2022 là năm đầu tiên cả nước triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn của chương trình này đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, một số dự án đã đưa vào sử dụng hoặc bàn giao cho hộ thụ hưởng.
Từ tiểu dự án thuộc dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ấp Sóc Bưng được đầu tư một con đường dài 310 mét, rộng 3 mét với tổng kinh phí gần 942 triệu đồng. Tuyến đường này kết nối với Quốc lộ 1A, tạo thuận lợi cho người dân đi lại giao thương hàng hóa dễ dàng.
Ông Kim Ngọc Hoàng - Bí thư chi bộ ấp Sóc Bưng, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, đánh giá: “Sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã hỗ trợ cho đồng bào ổn định cuộc sống phát triển kinh tế”.
Trước đây, những ngày triều cường hoặc vào những ngày nắng gắt hay mưa to, sự xuống cấp của nhà lồng chợ Thạnh Phú đã trở thành sự bất tiện cho 60 tiểu thương buôn bán tại đây. Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã nâng cấp công trình này với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Khu chợ nay đã trở nên khang trang hơn, cả người bán và người mua, ai ai cũng đều phấn khởi.
Ông Trần Văn Sớt – Ban quản lý chợ xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng phấn khởi nói: “Nhờ dự án hỗ trợ xây dựng lại lòng chợ cá. Sau khi hoàn thành xong khu chợ này thì cô, bác ổn định được chỗ mua bán”.
Năm qua, xã Thạnh Phú có 7 hộ thụ hưởng, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò thịt trị giá 14 triệu đồng để hộ Khmer nghèo có thêm tư liệu sản xuất. Đối với hộ nghèo có thu nhập mỗi ngày trên dưới 100.000 đồng thì nguồn hỗ trợ từ dự án của chương trình này đã tạo động lực phấn đấu để thoát nghèo.
Ông Phú Việt Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Xã Thạnh Phú tiếp tục được hỗ trợ nguồn vốn đa dạng hóa sinh kế tạo việc làm mô hình chăn nuôi bò cho bà con dân tộc thiểu số thụ hưởng. Xã cũng đã hoàn chỉnh các các bước chọn đối tượng thụ hưởng, lập hợp đồng hợp tác để trình UBND huyện phê duyệt”.
Huyện Mỹ Xuyên có trên 33% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Trong năm qua, huyện được phân bổ gần 7,8 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn này được ưu tiên cho 3 ấp đặc biệt khó khăn để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Các dự án, các công trình, các mô hình được triển khai đã và đang từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây./.