Dịch Ebola diễn biến phức tạp, thế giới phải đề cao cảnh giác
VOV.VN - Đây được xem là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại, khi cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người, gồm 244 nhân viên y tế.
Dịch bệnh đặc biệt trở nên đáng lo ngại hơn khi mới đây xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên tại Mali, trường hợp thứ 4 nhiễm bệnh tại Mỹ.
Trước thực trạng đó, cộng đồng quốc tế đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus Ebola cũng như hỗ trợ các nước Tây Phi đối phó với mối nguy hiểm này.
Trước đó hôm qua, nguồn tin từ quân đội Mỹ cho biết, nước này đang điều động hàng nghìn binh sỹ tới Liberia để tham gia dập dịch Ebola. Thiếu tướng Gary Volesky, chỉ huy quân đội Mỹ nêu rõ: “Liberia cần sự hỗ trợ, được thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. MỸ đang thực hiện hành động của mình bằng cách cung cấp nguồn lực cần thiết. Hàng nghìn binh sỹ Mỹ đang đến Liberia, họ rất sẵn lòng tham gia cùng với các lực lượng của Liberia để dập tắt dịch Ebola.”
Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ Liberia xây dựng trung tâm điều trị Ebola và gửi hàng viện trợ gồm vật liệu xây dựng, thiết bị bảo hộ cá nhân và lương thực tới quốc gia này.
Cũng trong ngày hôm qua, chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ gửi gói viện trợ nhân đạo thứ 4 tới Liberia, Siera Leone và Guinea, thiết lập các trung tâm điều trị dã chiến cũng như cử các chuyên gia y tế tới những nước này để huấn luyên cho các nhân viên y tế địa phương. Thêm vào đó, Trung Quốc cam kết đóng góp 6 triệu đô la Mỹ cho quỹ đặc biệt của Liên Hợp Quốc về phòng chống Ebola.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng thông báo cử thêm các chuyên gia tới hỗ trợ Mali, quốc gia thứ 6 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Ebola. Fadela Chaib, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Hiện tại Tổ chức Y tế Thế giới đã có một chuyên gia phụ trách hậu cần và chuyên gia kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Mali từ ngày 19/10. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tăng cường nhân lực cho đội ngũ này, thêm các chuyên gia quản lý lâm sàng và dịch tễ học, chuyên gia huy động nguồn lực xã hội.”
Lo ngại trước sự bùng phát của dịch bệnh, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt, tăng cường giám sát và phòng trừ tại các khu vực được cho là dễ lây nhiễm.
Ngay khi xuất hiện trường hợp nhiễm mới Ebola tại Mỹ, nhà chức trách tại các bang New York và New Jersey và Illinois đã tuyên bố cách ly bắt buộc trong 21 ngày đối với những cá nhân có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Ebola tại Tây Phi. Bên cạnh đó, những bang trên cũng sẽ làm nghiêm ngặt hơn thủ tục kiểm tra tại các sân bay quốc tế. Còn nguồn tin từ chính phủ Philippines cho biết, nước này đang triển khai nghiêm ngặt các biện pháp sàng lọc tại các sân bay để phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola. Các quan chức y tế Philippines cũng đẩy mạnh công tác phòng ngừa trước khi dòng người xa xứ trở về quê hương vào dịp giáng sinh này.
Theo số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới công bố hôm qua, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người trên tổng số 10.000 ca nhiễm tính đến thời điểm hiện tại. Trong số này có 450 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và 244 nhân viên y tế đã thiệt mạng./.