Diễn biến bất ngờ trên chính trường Mỹ sau cái chết của George Floyd

VOV.VN - Đã có sự đồng thuận hiếm hoi trong lưỡng đảng Mỹ cho rằng cần phải cải cách lực lượng cảnh sát để giải quyết tình hình hiện nay.

Đồng thuận hiếm hoi trong lưỡng đảng

Một điều “bất bình thường” đang xảy ra ở Mỹ: các cuộc biểu tình kéo dài 14 ngày trên khắp nước Mỹ chống tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu George Floyd, đã tạo ra sự thay đổi trong dư luận về cải cách lực lượng cảnh sát.

Người biểu tình tập trung tại nơi tưởng niệm George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hôm 2/6. Ảnh: NY Times. 

Tại Washington và nhiều thành phố, tiểu bang của Mỹ, các nhà lãnh đạo chính trị đang bắt đầu lắng nghe. Đã có sự đồng thuận hiếm hoi trong lưỡng đảng Mỹ khi cho rằng cần phải cải cách lực lượng cảnh sát để đáp ứng với tình hình hiện nay.

Trước đó hôm 8/6, đảng Dân chủ đã công bố một dự luật cải cách sâu rộng lực lượng cảnh sát để phản ứng với các cuộc biểu tình. Tiếp đến hôm 9/6, các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết họ đã lên kế hoạch giới thiệu các đề xuất cải cách của riêng mình.

Ông Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện công khai tuyên bố ông sẵn sàng ủng hộ một số điều khoản trong dự luật của đảng Dân chủ, trong đó có điều khoản liên kết quy trình đào tạo cảnh sát với các quỹ liên bang, khiến việc phát hiện và sa thải các nhân viên cảnh sát có hành vi sai trái trở nên dễ dàng hơn và một điều khoản khác ngăn nhân viên cảnh sát di chuyển từ thành phố này tới thành phố khác nhằm tránh cáo buộc về tội trạng.

“Tôi muốn hành động và chứng minh rằng chúng ta có luật pháp. Đây là thời điểm chúng ta phải cùng đoàn kết với nhau”, ông McCarthy nói với tờ Los Angeles Times.

Trước đó hôm qua (9/6), nghị sỹ Cộng hòa người Mỹ gốc Phi Tim Scott của bang Nam Carolina đã trình bày các ý tưởng về cải cách lực lượng cảnh sát với các thành viên đảng Cộng hòa. Tại Hạ viện, nghị sỹ Cộng hòa ở bang Ohio dự kiến sẽ đưa ra đề xuất riêng trong tuần này. Còn ở bang Texas, quê hương của George Floyd, Thống đốc bang Greg Abbott dường như muốn tiến xa hơn. Phát biểu với báo chí bên ngoài nơi tưởng niệm của George Floyd ở thành phố Houston, ông Abbott kết nối trực tiếp việc cải tổ lực lượng cảnh sát với vấn đề phân biệt chủng tộc:

“Tôi đã hứa với gia đình anh ấy, rằng tôi sẽ nêu ý kiến của họ trong các cuộc thảo luận về đường lối sắp tới. Đường lối này được dẫn dắt bởi những người từng phải chịu đựng nỗi đau suốt thời gian dài do tình trạng phân biệt chủng tộc gây ra. Các hành động khác cũng đang được thực hiện để đảm bảo không xảy ra tình trạng bạo lực cảnh sát giống như những gì đã xảy ra với George Floyd”.

Đảng Dân chủ từ lâu đã thúc đẩy cải cách lực lượng cảnh sát, cũng như phản đối việc gia tăng quân sự hóa các cơ quan cảnh sát địa phương, đặc biệt sau cuộc biểu tình tại thành phố Ferguson, bang Missouri liên quan cái chết của công dân da màu Michael Brown vào năm 2014. Nhưng một số nhà hoạt động, từng tỏ ra thất vọng trước việc những cải cách được đưa ra không làm giảm các vụ bạo lực của cảnh sát đối với công dân không có vũ trang, cho rằng cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn.

Hồi đầu tuần này, Hội đồng thành phố Minneapolis đã quyết định giải thể và xây dựng lại sở cảnh sát của thành phố sau cái chết của Floyd. Mới nhất vào hôm qua (9/6), Hội đồng thành phố Washington D.C đã thông qua một loạt thay đổi lớn, cấm tuyển dụng những cảnh sát có tiền sử sai phạm nghiêm trọng ở những nơi khác, yêu cầu công bố nhanh chóng danh tính và video chứng minh cảnh sát sử dụng vũ lực với dân thường. Luật mới cũng bao gồm lệnh cấm sử dụng hóa chất hoặc đạn cao su đối với những người biểu tình ôn hòa.

Mặc dù đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tìm cách thúc đẩy những cải cách riêng đối với lực lượng cảnh sát, nhưng lập trường chung của họ lại thể hiện sự đồng thuận trong lưỡng đảng ở một mức độ mà hầu như không thể tìm thấy trong các vấn đề nào khác. Hiện, đảng Cộng hòa đang tìm cách thuyết phục phe Dân chủ trên toàn quốc nhất trí với đề xuất của họ.

Thay đổi “chóng mặt” trong dư luận

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây của CNN/SSRS, 67% người Mỹ tin rằng hệ thống tư pháp đang ủng hộ người da trắng hơn người da đen tại quốc gia này. 67% người được hỏi cũng cho rằng phân biệt chủng tộc là một vấn đề lớn hiện nay, cao hơn nhiều so với con số 49% trong năm 2015, sau cái chết của công dân da màu Brown tại Ferguson.

Kết quả thăm dò của Đại học Monmouth cho thấy, 57% người Mỹ tin rằng cảnh sát nhiều khả năng sử dụng vũ lực quá mức đối với người da màu, tăng cao so với 34% vào năm 2016.

Cuộc thăm dò độc lập của Washington Post cũng cho kết quả tương tự với hơn 74 % người Mỹ cho biết, họ ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra tại các thành phố và các thị trấn trên khắp nước Mỹ. Biểu tình cũng nhận được sự ủng hộ của 87% cử tri Dân chủ và 53% cử tri Cộng hòa, 76% cử tri độc lập.

Theo thăm dò của Washington Post, Tổng thống Trump phải hứng chịu nhiều đánh giá tiêu cực trong cách thức đối phó với biểu tình, với 61% người được hỏi bày tỏ sự không đồng tình và 35% ủng hộ.

Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi này rất hiếm khi xảy ra.“Trong 35 năm nghiên cứu các cuộc thăm dò dư luận, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự thay đổi ý kiến nhanh chóng và sâu sắc như hiện nay. Những hậu quả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội là quá lớn”, một người chuyên trách thăm dò ý kiến của Đảng Cộng hòa, ông Frank Luntz cho biết.

Theo CNN, để giải thích tại sao điều đó xảy ra và tại sao đảng Cộng hòa buộc phải lắng nghe, cần phải nhìn vào nơi các cuộc biểu diễn ra. Làn sóng biểu tình không chỉ xuất hiện tại những thành phố lớn mà còn ở các thị trấn nhỏ. Trong đó có những nơi như Whitefish, Montana, đa số người biểu tình là người da trắng. Họ xuống đường kêu gọi công lý cho người da màu và chấm dứt bạo lực cảnh sát. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại Vidor, Texas, khi người dân quỳ gối trong im lặng để tưởng niệm Floyd. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Utah, ông Rom Romney và cựu Tổng thống George W. Bush cũng lên tiếng chống lại sự bất bình đằng sau cái chết của Floyd./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên