Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 10/3
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 10/3/2023.
Nga và Ukraine đặt cược lớn vào trận quyết đấu sinh tử tại Bakhmut: Sau 7 tháng giao tranh dữ dội tại thành phố Bakhmut ở Donetsk, miền Đông Ukraine, cả Nga và Ukraine vẫn không có dấu hiệu lùi bước. Một bên vẫn nỗ lực giành quyền kiểm soát thành phố và bên kia kiên quyết cố thủ.
>>> Nga và Ukraine đặt cược lớn vào trận quyết đấu sinh tử tại Bakhmut
Nga chỉ trích EU phớt lờ đàm phán điều tra vụ nổ "Dòng chảy phương Bắc": Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Maria Zakharova ngày 9/3 chỉ trích Liên minh châu Âu cố tình phớt lờ mọi yêu cầu đàm phán về sự cần thiết phải điều tra vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc”. Theo bà Maria Zakharova: “Họ đã không cho chúng tôi tham gia vào cuộc điều tra và thậm chí còn tìm cách đổ lỗi cho Nga. Họ viện ra mọi lời bào chí và tuyên bố không thể bình luận bất cứ điều gì cho đến khi kết thúc cuộc điều tra. Họ không quan tâm đến số phận, nền kinh tế, tài chính và an ninh năng lượng của chính đất nước mình".
Ukraine thừa nhận không thể bắn hạ tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga: Các hệ thống phòng không của Ukraine không thể bắn hạ các tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yury Ignat cho hay ngày 9/3.
"Các hệ thống phòng không của chúng tôi không thể bắn hạ các tên lửa hành trình. Thật không may, chúng tôi đang phải đối phó với các tên lửa Kinzhal cũng như Kh-22 và chúng tôi không thể chiến đấu với những tên lửa này bởi chúng di chuyển theo đường bay đạn đạo trong khi chúng tôi không có khả năng ngăn chặn", người phát ngôn Yury Ignat nói.
Tướng Ukraine giải thích lý do đằng sau việc cố thủ ở Bakhmut: Tầm quan trọng của việc Ukraine kiểm soát thành phố Bakhmut ở phía Đông "đang liên tục gia tăng" bởi sự kháng cự kéo dài này cho phép Kiev làm suy yếu khả năng tấn công của Moscow, một trong các lãnh đạo quân sự cấp cao của Ukraine nói ngày 9/3.
"Trong cuộc giao tranh giành pháo đài này, đối phương đã tổn thất phần nào các binh lính được đào tạo tốt nhất và sẵn sàng chiến đấu nhất, đó là các đơn vị tấn công của công ty quân sự tư nhân Wagner", Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Bộ binh Ukraine nói. Theo ông Oleksandr Syrskyi, người đứng đầu Wagner - ông Yevgeny Prigozhin cho biết, nếu lực lượng này kiểm soát được Bakhmut, Nga có thể tiến hành cuộc "tấn công trên quy mô lớn" sử dụng các đơn vị trên mặt đất và trên không.
Nga áp đặt trừng phạt đối với 144 công dân Latvia, Litva và Estonia: Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với 144 công dân của các nước Baltic, gồm Latvia, Litva và Estonia. Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với các bộ trưởng, đại biểu, nhân vật của công chúng và nhà báo có thái độ "thù địch nhất" với Nga. Rơi vào danh sách này đồng nghĩa với lệnh cấm nhập cảnh vào Nga.
Quan chức Ukraine thừa nhận ngày càng nhiều người dân muốn Kiev đàm phán với Moscow: Số lượng người dân Ukraine muốn Kiev đàm phán hòa bình với Moscow đang gia tăng, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine - ông Aleksey Danilov thừa nhận ngày 9/3. Quan chức an ninh cấp cao này đã gọi diễn biến trên là "xu hướng vô cùng nguy hiểm".
Mỹ và đồng minh đóng băng hơn 58 tỷ USD tài sản của người Nga bị trừng phạt: Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này cùng với các đồng minh thuộc Lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO đã đóng băng tài sản của công dân Nga với số tiền hơn 58 tỷ USD trong năm qua. Theo tài liệu, một năm sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga ở Ukraine, nhóm REPO "với sự phối hợp đa phương đã gây áp lực chưa từng có đối với những người Nga bị trừng phạt".
Cuộc tấn công tên lửa của Nga là để trả đũa "hành động khủng bố" của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/3 cho biết, việc nước này tiến hành một loạt cuộc tấn công tên lửa vào các thành phố lớn của Ukraine là để đáp trả điều mà Moscow cho là “hành động khủng bố” do Kiev thực hiện ở vùng Bryansk của Nga vào tuần trước. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Nga đã phá hủy nhiều phương tiện bay không người lái của Ukraine, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển vũ khí của nước ngoài vào Ukraine bằng đường sắt, vô hiệu hóa các cơ sở sửa chữa thiết bị quân sự và sản xuất đạn dược”. Tuyên bố cho biết thêm Nga đã đạt được mục tiêu và “tất cả các đối tượng trong tầm ngắm đã bị bắn trúng”.
Cựu Đại sứ Mỹ lo ngại Ukraine sẽ không thể cầm cự trong thời gian dài: Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul lo ngại về tình hình xung đột hiện nay ở Ukraine, đồng thời cho biết tình trạng bế tắc có thể làm dấy lên mối lo ngại về khả năng cầm cự của Ukraine trên chiến trường.
"Ukraine không nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía họ. Họ không muốn một cuộc xung đột kéo dài bởi họ không cho rằng mình có thể duy trì trong cuộc xung đột đó - một là bởi họ sẽ cạn kiệt binh lính và hai là họ lo ngại sẽ cạn kiệt sự ủng hộ từ phương Tây", ông McFaul nói.
Dùng tên lửa “không thể đánh chặn” cho thấy Nga dịch chuyển chiến lược ở Ukraine: Giới quan sát cho rằng việc Nga sử dụng hàng loạt vũ khí khó đoán trong cuộc tấn công chưa từng có mới đây nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine dường như cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược của điện Kremlin.
>>> Dùng tên lửa “không thể đánh chặn”: Nga dịch chuyển chiến lược ở Ukraine?
Nga chỉ rõ động thái dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của NATO vào xung đột ở Ukraine: Việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột này, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 10/3.
"Hãy thử tượng tượng xem, những máy bay chiến đấu này xuất phát từ Ba Lan, đi vào không phận Ukraine rồi lại quay về Ba Lan để bảo trì. Vậy Ba Lan có tham gia trực tiếp vào xung đột trong trường hợp này không? Tôi nghĩ là có. Đó là sự tham gia trực tiếp", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh./.