Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 11/2
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 11/2/2024.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm cơ sở sản xuất máy bay không người lái. Theo thông báo hôm 10/2 của Bộ Quốc phòng Nga, Bộ trưởng Sergei Shoigu đến thăm một số doanh nghiệp quốc phòng ở Cộng hòa Udmurtian thuộc Nga, xem xét cách thức các đơn vị này triển khai chỉ thị của nhà nước về việc sản xuất máy bay không người lái trinh sát và tấn công.
Tại nhà máy Kalashnikov, nơi bắt đầu cung cấp cho quân đội vũ khí nhỏ và máy bay không người lái, ông Shoigu được thông báo rằng, kể từ năm 2022, công ty đã tăng sản lượng lên 60%, kỳ vọng con số này sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Bộ trưởng cũng được giới thiệu các vật liệu composite mới giúp máy bay không người lái trở nên bền hơn nhiều.
Tại công ty Zala Aero, ông Shoigu xem xét các loại máy bay không người lái mới được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thu được từ các cuộc xung đột.
Ông Shoigu nhấn mạnh quân đội Nga cần có tên lửa đất đối không dẫn đường. “Tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng và cơ sở kinh tế - dầu, khí đốt, cơ sở chế biến – phải được bảo vệ bằng loại vũ khí này”.
Ông Shoigu cũng triệu tập cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong ngành và ca ngợi họ đã đạt được hầu hết các mục tiêu đặt ra một năm trước. Tuy nhiên, ông báo hiệu rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tổng thống Ukraine bổ nhiệm Tổng Tham mưu Trưởng mới thay ông Shaptala. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/2 đã bổ nhiệm Thiếu tướng Anatoliy Barhilevych làm Tổng Tham mưu Trưởng Các Lực lượng Vũ trang của nước này, thay thế cho ông Serhiy Shaptala.
Trong bài phát biểu qua video đêm 9/2, Tổng thống Zelensky mô tả Tướng Barhilevych là “một người có kinh nghiệm, am hiểu về những nhiệm vụ của cuộc chiến giữa Ukraine và Nga cũng như những mục tiêu của Ukraine.”
Tổng thống Zelensky cho biết quyết định bổ nhiệm trên được đưa ra theo khuyến nghị của Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine - Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, người được bổ nhiệm hôm 8/2 vừa qua.
Lãnh đạo Đức và Mỹ coi trọng việc phê chuẩn gói viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngày 9/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt gói viện trợ quân sự cho Ukraine bị trì hoãn trong thời gian dài, cảnh báo Kiev thực sự cần gói viện trợ này.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz tại phòng Bầu Dục nhân chuyến thăm của ông này tới Mỹ, ông Biden lấy làm tiếc trước việc Quốc hội Mỹ chưa thông qua gói viện trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đức - quốc gia ủng hộ quân sự lớn nhất cho Kiev sau Mỹ - cho biết ông hy vọng gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD của Mỹ cho Ukraine sẽ được thông qua.
Sau nhiều tháng đàm phán, Thượng viện Mỹ ngày 4/2 đã công bố văn bản dự luật an ninh trị giá 118 tỷ USD, bao gồm việc tăng cường bảo vệ biên giới, viện trợ cho Ukraine và Israel. Ngoài ra, dự luật cũng bao gồm 10 tỷ USD cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường tại Dải Gaza, khu vực Bờ Tây và Ukraine. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Thượng viện ngày 7/2, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã không thông qua dự luật này.
NATO kêu gọi châu Âu tăng cường sản xuất vũ khí để hỗ trợ Ukraine. Phát biểu với báo Welt am Sonntag (Đức) trước cuộc họp quan trọng của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels, ông Jens Stoltenberg khẳng định khối cần tổ chức lại và đẩy nhanh việc mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và đảm bảo nguồn cung vũ khí cho khối.
Điều này đồng nghĩa rằng cần phải chuyển đổi sản xuất vũ khí sang giai đoạn mới, sẵn sàng cho xung đột.
Những bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh Ukraine kêu gọi bổ sung đạn dược và hỗ trợ quân sự khi xung đột sắp bước sang năm thứ 3.
Ông Stoltenberg đánh giá hiện không có mối đe dọa quân sự nào nhằm vào các nước thành viên của NATO. Ông khẳng định nếu đoàn kết và đầu tư cho các biện pháp đảm bảo an ninh, khối NATO sẽ đối phó tốt với mọi sự khiêu khích.