Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 1/5
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine trong ngày 1/5/2022.
Nga không kích kho vũ khí Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine: Ngày 1/5, Nga tấn công kho vũ khí mà Mỹ và châu Âu cung cấp cho Ukraine đồng thời phá hủy một đường băng tại một sân bay quân sự gần thành phố Odessa của Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này đã sử dụng tên lửa Onyx có độ chính xác cao để tấn công sân bay. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga đã phóng tên lửa từ Crimea để tấn công sân bay này.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ hai máy bay ném bom Su-24 của Ukraine trong khu vực Kharkov.
Nga thông báo cơ sở quân sự bốc cháy ở khu vực giáp Ukraine: Thống đốc vùng Belgorod của Nga Vyacheslav Gladkov viết trên Telegram: "Một ngọn lửa bùng lên trên phần đất thuộc một trong các cơ sở của Bộ Quốc phòng [Nga], nằm ở vùng giáp ranh giữa 3 thành phố". Theo ông Gladkov, một dân thường đã bị thương nhẹ trong vụ cháy. Thời gian qua, phía Nga ghi nhận nhiều cơ sở quân sự của nước này ở khu vực gần biên giới với Ukraine đã bị cháy nổ.
Lính đánh thuê Đan Mạch tử trận ở Ukraine: Tình hình ở Ukraine thêm căng khi gia đình 1 lính đánh thuê Đan Mạch xác nhận anh này đã tử trận tại quốc gia Đông Âu này. Còn Nga đã ghi nhận thêm nhiều vụ cháy tại các cơ sở quân sự của họ.
Trong bối cảnh đó, tại châu Âu đã bùng nổ nhu cầu xây hầm trú ẩn tránh bom do lo ngại chiến tranh lan ra ngoài Ukraine.
Lối thoát bước đầu cho căng thẳng ở Azovstal: Ngày 1/5, Liên Hợp Quốc xác nhận nỗ lực sơ tán người dân khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol (Ukraine) đã diễn ra.
Phát ngôn viên về công tác nhân đạo của Liên Hợp Quốc - Saviano Abreu, nói với hãng thông tấn AP rằng hoạt động đưa dân thường ra khỏi Azovstal đang được thực hiện bởi Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế trong sự phối hợp với giới chức Nga và Ukraine.
Hiện có tới 100.000 người được cho là vẫn đang ở trong thành phố Mariupol, bao gồm khoảng 1.000 dân thường bị kẹt lại trong khu phức hợp Azovstal mà hiện quân đội Nga vẫn chưa chiếm được. Các lực lượng quân sự Ukraine vẫn cố thủ bên trong pháo đài ngầm này.
Đối thoại ổn định chiến lược đóng băng, quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục lao dốc: Phát biểu trước báo giới, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề không phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov, cho biết, hoạt động đối thoại chiến lược Nga - Mỹ chính thức tạm dừng. Những liên hệ giữa nước này và Mỹ về vấn đề ổn định chiến lược sẽ được nối lại một khi Nga hoàn tất chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
“Tình hình hiện nay cho thấy, không có triển vọng nào cho các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược giữa Nga với Mỹ. Trong bất kỳ cuộc đối thoại nào, đặc biệt là đối thoại chiến lược, ít nhất phải có sự hiện diện tương xứng của đối tác. Thật đáng buồn là các hành động của Mỹ đang đi theo hướng ngược lại. Hiện tại, cuộc đối thoại này chính thức bị phía Mỹ đóng băng”, ông Yermakov nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi gặp Tổng thống Ukraine Zelensky, cam kết sát cánh với Kiev: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã trở thành quan chức cao nhất của Mỹ đến thăm Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh với Nga. Tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine, bà Pelosi cam kết với ông Zelensky: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi thăm ông để nói lời cảm ơn vì đã chiến đấu vì tự do. Chúng ta đang ở tuyến đầu của tự do và cuộc chiến của các ngài cũng là cuộc chiến vì mọi người. Cam kết của chúng tôi là sát cánh với các ông đến khi cuộc chiến kết thúc".
Nga cảnh báo tịch thu tài sản của các nước không thân thiện: Chủ tịch Hạ viện Nga tuyên bố "cần phải tịch thu tài sản của các nước không thân thiện" với Nga.
Sputnik dẫn lại phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) Vyacheslav Volodin trên mạng xã hội Telegram rằng sẽ là đúng đắn khi tịch thu tài sản của các doanh nghiệp có chủ quản lý thuộc các nước đã ban ra các quyết định trừng phạt Nga về mặt tài chính.
Ông Volodin nói: "Số tiền thu được từ việc bán các tài sản này có thể đem dùng để phát triển đất nước chúng ta".
EU đề xuất áp dụng lệnh cấm dầu mỏ của Nga kể từ cuối năm nay: Hãng tin Bloomberg mới đây trích dẫn các nguồn tin cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp đặt lệnh cấm vận chuyển dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay.
Theo nguồn tin trên, lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, trước đó các biện pháp hạn chế nhập khẩu sẽ dần được áp dụng theo từng cấp độ.
Đức bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn nữa với Nga. Đức từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Ngoại trưởng Đức ra điều kiện Nga phải rút quân khỏi Ukraine thì mới được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, các nước Đông Âu thúc đẩy hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga./.