Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 19/7
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 19/7.
Nga nói nếu nối lại đàm phán với Ukraine, các điều kiện sẽ khác: Phía Nga cho rằng, Ukraine đã không có bất kỳ sự liên lạc nào với họ. Vì thế, nếu các cuộc đàm phán được nối lại, điều kiện sẽ hoàn toàn khác. Trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết, các điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ hoàn toàn khác so với những thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3. Ông Leonid Slutsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga, đồng thời là một thành viên trong phái đoàn đàm phán của Nga cũng khẳng định, Nga sẽ đưa ra điều kiện khó khăn hơn nếu nối lại đàm phán với Ukraine.
Ukraine tuyên bố đàm phán hòa bình chỉ có nghĩa khi Nga bị đánh bại trên chiến trường: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Forbes, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã gọi "hành vi gây hấn" của Nga là lý do cho sự thiếu vắng của các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời cho bằng bất kỳ cuộc đàm phán nào "đều có liên hệ trực tiếp với tình hình chiến trường".
"Tôi đã nói với tất cả đối tác một điều đơn giản: Đó là Nga sẽ ngồi vào bàn đàm phán sau khi bị đánh bại trên chiến trường. Nếu không thì sẽ lại có những tối hậu thư được đưa ra", ông Kuleba bình luận. Ông nhấn mạnh, Tổng thống Ukraine Zelensky không loại trừ "khả năng đàm phán" song tin rằng hiện "không có lý do" để đàm phán.
EU thừa nhận mục tiêu thực sự của các lệnh trừng phạt Nga: Các lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga không phải để dừng cuộc chiến ở Ukraine mà để phá hủy nền kinh tế Nga, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho hay.
"Lệnh trừng phạt của EU sẽ không ngăn chặn các hành động quân sự ở Ukraine mà sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế Nga", ông Borrell cho hay, đồng thời nhận định EU không được "mệt mỏi vì các lệnh trừng phạt". Quan chức EU cho rằng Nga đang dựa vào "sự mệt mỏi của các nền dân chủ thực hiện các lệnh trừng phạt" và đánh giá, việc duy trì điều này "không dễ dàng nhưng chúng ta phải tiếp tục gây sức ép với nền kinh tế Nga. Châu Âu không được từ bỏ chính sách này".
Ông Borrell cho rằng không thể đổ lỗi cho các lệnh cấm vận bởi giá dầu hiện nay bằng với mức hồi tháng 2. Ông cũng thông báo EU có kế hoạch cấm vàng Nga vào cuối tuần này trong một gói trừng phạt mini để cải thiện tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện nay.
So sánh sức chịu đựng của Nga và EU trong cuộc chiến kinh tế: Phía sau xung đột giữa Nga và Ukraine là "cuộc chiến kinh tế" giữa Nga với Mỹ và châu Âu. Hiện vẫn chưa rõ bên nào có thể chống chịu lâu hơn trong cuộc chiến này.
>>> Nga và EU trong cuộc chiến kinh tế: Bên nào sẽ sớm bị hạ knock-out?
Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đóng băng quy trình Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO: Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đóng băng quy trình Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO nếu 2 nước này không đáp ứng các yêu cầu của Ankara, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết.
"Tôi muốn nhắc lại rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan không thể thực hiện các bước đi cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi, chúng tôi sẽ đóng băng quy trình này. Thổ Nhĩ Kỳ có lập trường rất rõ ràng trong khi những vấn đề khác là việc của họ".
Ukraine nhận định vũ khí tầm xa của phương Tây đang gây "tổn thất đáng kể" cho Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định, các lực lượng của Ukraine hiện có thể gây ra "tổn thất đáng kể" cho Nga trong khi các quan chức Ukraine cũng cho rằng các vũ khí của phương Tây đang làm thay đổi cục diện chiến trường.
Trong một thông điệp phát trên video, ông Zelensky bình luận, các lực lượng của Ukraine "có thể gây ra tổn thất hậu cần đáng kể cho những kẻ chiếm đóng. Quân đội Nga sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì các vị trí tại những vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Từng bước một, chúng tôi sẽ tấn công, làm gián đoạn nguồn cung hậu cần của những kẻ chiếm đóng, xác định và vô hiệu hóa các lực lượng hợp tác với họ".
Ông Valeriy Zaluzhniy, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine đánh giá, việc các hệ thống vũ khí tầm xa như hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ đang giúp thay đổi cục diện chiến trường.
Ukraine cảnh báo EU không nên rơi vào "bẫy" của Nga: Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo EU không nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga hay đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin.
"Lùi bước và cúi đầu trước các yêu cầu của Nga sẽ không hiệu quả. Đây là một cái bẫy", ông Kuleba nhận định trong cuộc họp của 27 ngoại trưởng EU ngày 18/7.
"Tôi chắc chắn trong những tuần tới sẽ có nhiều tiếng nói nghiêng về phía Nga, rằng nên đáp ứng những yêu cầu của Tổng thống Putin để ông ta để yên cho châu Âu. Chúng tôi trực tiếp phản đối những quan điểm này", Ngoại trưởng Ukraine bình luận.
EU thông qua gói trừng phạt thứ 7 chống lại Nga: Tại Hội nghị các Ngoại trưởng EU, các đại biểu đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 7 chống lại Nga bao gồm các biện pháp trừng phạt vào các tổ chức cá nhân của Nga cũng như lệnh cấm vận đối vàng của Nga và tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Tại cuộc họp, các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga cơ bản được cập nhật theo các nguyên tắc trước đó và không có bất kỳ hạn chế nào liên quan tới vấn đề nhập khẩu năng lượng.
Nga tuyên bố không “buông tay” trước các lệnh trừng phạt: Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng trực thuộc Tổng thống về Phát triển Chiến lược và Các Dự án Quốc gia, Tổng thống Putin lưu ý rằng, các lệnh trừng phạt là thách thức đối với đất nước, nhưng Nga sẽ không “buông tay”, mà nỗ lực tìm kiếm các giải pháp mới.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ khó khăn và tất cả đều nhận thức rõ điều này. Nga không thể phát triển cô lập với toàn thế giới, điều này sẽ không xảy ra, vì trong thế giới hiện đại không thể dựng lên một hàng rào ngăn cách. Nga sẽ tập trung vào một số hướng, trong đó quan trọng nhất là tiếp tục phát triển công nghệ, để có tác động đến những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế, tạo ra các ngành công nghiệp và doanh nghiệp mới, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đột phá. Hướng thứ hai là chuyển đổi kỹ thuật số trên diện rộng.
Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 và FH70 tại Donbass: Quân đội Ukraine ngày 18/7 đã bắn đạn pháo vào các mục tiêu tại Donbass, miền Đông nước này – nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt với Nga.
>>> Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 và FH70 tại Donbass
Ukraine cải tổ cơ quan an ninh giữa lúc xung đột leo thang với Nga: Trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục cải tổ sâu rộng cơ quan an ninh nước này, với việc sa thải thêm 28 quan chức. Trước đó, ngày 17/7, Tổng thống Zelensky đã bất ngờ sa thải người đứng đầu Cơ quan An ninh Nội địa và Tổng Công tố viên Nhà nước, viện dẫn lý do tình trạng “phản quốc” tràn lan trong cả 2 cơ quan quyền lực này. Vụ sa thải chính trị lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra hôm 24/2 được xem là nhằm tăng cường quyền kiểm soát của Tổng thống Zelensky đối với quân đội và các cơ quan an ninh.
Xung đột Nga - Ukraine và xu hướng sử dụng rộng rãi máy bay không người lái UAV: Máy bay không người lái (UAV) đang được sử dụng ngày càng rộng rãi trong chiến tranh dưới nhiều hình thức, mục đích khác nhau. Xung đột Ukraine - Nga hiện nay đang củng cố xu hướng đó.
>>> Xung đột Nga - Ukraine và xu hướng sử dụng rộng rãi máy bay không người lái UAV
Tương lai đàm phán Nga-Ukraine mờ mịt, Kiev “cầu viện” cho chiến trường: Phương Tây vừa ban bố các lệnh trừng phạt mới lên Nga, đồng thời cam kết duy trì viện trợ cho Ukraine bất chấp những khó khăn gặp phải. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy cơ hội đàm phán Nga-Ukraine vẫn khá xa vời.
>>> Tương lai đàm phán Nga-Ukraine mờ mịt, Kiev “cầu viện” cho chiến trường
Ukraine có thể sẽ nhận được tên lửa HIMARS tầm xa hơn từ Mỹ: Ukraine có thể sẽ nhận được các tên lửa tầm xa hơn sử dụng cho hệ thống pháo phản lực HIMARS trong tương lai gần, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho hay ngày 19/7.
"Đối với hệ thống HIMARS, có một số thông tin rằng chúng tôi sẽ bắt đầu nhận được các tên lửa có tầm bắn xa hơn. Hy vọng rằng những hệ thống chúng tôi cần với tầm bắn đó sẽ sớm xuất hiện trên lãnh thổ của chúng tôi", ông Danilov nhận định khi trả lời liệu Ukraine có khả năng nhận được tên lửa HIMARS có tầm bắn lên tới 300 km hay không./.