Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 22/4
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng chú ý về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 22/4/2024.
Nga lên kế hoạch kiểm soát mặt trận chiến lược của Ukraine: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dường như phát đi tín hiệu cho thấy Nga có thể mở cuộc tấn công vào Kharkov và thiết lập một vùng đệm phi quân sự để bảo vệ các khu vực biên giới Nga khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.
Theo Business Insider, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dường như phát đi tín hiệu rằng Nga có ý định sẽ giành quyền kiểm soát thành phố Kharkov ở phía Đông Bắc Ukraine. Điều này khiến ông Lavrov trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Nga xác định thành phố Kharkov là mục tiêu tiềm năng.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Nga, ông Lavrov nói rằng thành phố lớn thứ hai của Ukraine có “vai trò quan trọng” trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tạo ra một vùng đệm phi quân sự để bảo vệ các khu vực biên giới Nga khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.
ISW: Nga chuẩn bị sẵn sàng ứng phó xung đột quy mô lớn với NATO: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, Nga đang mở rộng một phần quân đội để sẵn sàng ứng phó với một cuộc xung đột quy mô lớn với NATO.
Đánh giá của ISW được đưa ra sau một báo cáo trên tờ Izvestia của Nga về việc Bộ Quốc phòng Nga mở rộng quân khu Leningrad mới thành lập. Vào tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thành lập quân khu Leningrad và tập trung một số đơn vị quân đội ở đó để phản ứng trước việc Phần Lan gia nhập NATO.
Tờ Izvestia dẫn các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tại Karelia, khu vực ở phía Bắc Nga giáp Phần Lan, một lữ đoàn tên lửa cùng hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M đã được thiết lập. Một sư đoàn xe tăng cũng đang được xem xét triển khai tới khu vực nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Trong khi đó, Nga cũng đã triển khai một lực lượng không quân và phòng không mới trong khu vực, bao gồm các trung đoàn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, cũng như các đơn vị phòng không và lực lượng kỹ thuật vô tuyến.
Ukraine mất 5 xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp trong 2 tháng: Tờ New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp cho Kiev, tại khu vực hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine trong 2 tháng qua.
Theo một huấn luyện viên quân sự người Áo, 3 chiếc xe tăng Abrams khác mà Mỹ chuyển cho Ukraine đã bị hư hại ở mức độ vừa phải kể từ khi chúng được đưa vào chiến trường đầu năm nay.
Vào tháng 2, một quan chức cấp cao của Nga cho biết, lực lượng nước này lần đầu tiên phát hiện xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine xuất hiện ở phía Tây Bắc Avdiivka, nơi Nga đã giành quyền kiểm soát. Ngày 6/3, chỉ huy một trong các đơn vị quân đội Nga nói với Sputnik rằng lực lượng Nga đã phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất lần đầu tiên tại khu vực Avdiivka, trong một trận chiến xe tăng.
Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ cho Ukraine: Hạ viện Mỹ ngày 20/4 đã thông qua 4 dự luật về viện trợ nước ngoài, gồm gói viện trợ dành cho Ukraine, Israel, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và dự luật trừng phạt Iran.
Theo đó, Mỹ sẽ dành gần 61 tỷ USD để viện trợ Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel, hơn 8 tỷ USD cho các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đài Loan.
Sau khi được Hạ viện thông qua, gói viện trợ này sẽ được Thượng viện cân nhắc và bỏ phiếu thông qua trước khi được đưa lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Gần như chắc chắn gói viện trợ này sẽ được thông qua tại Thượng viện trong khi Tổng thống Biden cam kết sẽ ký duyệt ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Nga phản ứng về gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ an ninh cho Ukraine sẽ dẫn tới nhiều thiệt hại và thương vong hơn.
Các hãng thông tấn Nga hôm 20/4 (giờ địa phương) dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói rằng quyết định thông qua viện trợ an ninh cho Ukraine "sẽ làm cho nước Mỹ giàu có hơn, hủy hoại Ukraine hơn và dẫn đến nhiều thương vong hơn đối với Ukraine".
Ông Peskov nhận định, các điều khoản trong luật cho phép chính quyền Mỹ tịch thu tài sản Nga bị tịch thu và chuyển chúng cho Ukraine để tài trợ cho việc tái thiết sẽ làm hoen ố hình ảnh của Mỹ. Đồng thời, phát ngôn viên Điện Kremlin cảnh báo Moskva sẽ ban hành các biện pháp trả đũa.
Giới quan sát nêu các kịch bản Ukraine thất bại trong cuộc xung đột với Nga: Giữa bối cảnh sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine đang chững lại, nỗ lực chiến đấu của Kiev trước các lực lượng của Moscow ngày càng trở nên tuyệt vọng. Quân đội Ukraine đang thiếu pháo cũng như đạn dược trầm trọng và ở một số nơi, họ đang bị áp đảo với tỷ lệ 10:1 khi phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công gia tăng của Nga. Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang theo đuổi "các mục tiêu tối đa ở Ukraine, theo đó dẫn đến "sự đầu hàng hoàn toàn của Kiev và phương Tây".
Nga lợi dụng điểm yếu của Ukraine để oanh tạc các thành phố “pháo đài”: Nguồn cung đạn pháo và tên lửa phòng không cho Ukraine ngày càng suy giảm đã khiến cho Nga có thể tăng cường tấn công các cơ sở năng lượng của nước này, cho phép các lực lượng của Moscow tiếp tục các bước tiến chậm mà chắc trên chiến trường.
>>> Nga lợi dụng điểm yếu của Ukraine để oanh tạc các thành phố “pháo đài”