Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 29/3
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng chú ý về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 29/3/2024.
Sáng kiến của Séc có thể cung cấp 1,5 triệu quả đạn pháo cho Ukraine: Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky trong cuộc trao đổi với truyền thông châu Âu tiết lộ rằng Ukraine có thể nhận được 1,5 triệu quả đạn pháo, tăng gần gấp đôi so với đề xuất hỗ trợ ban đầu. Cộng hòa Séc là quốc gia khởi xướng nỗ lực cung cấp khoảng 800.000 quả đạn pháo từ bên ngoài Liên minh Châu Âu (có thể từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) để cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Ban đầu ý tưởng này không được sự tán thành của nhiều nước EU, tuy nhiên các quốc gia trong khối đã dần tham gia vào dự án này bằng cách phân bổ kinh phí.
Vì sao Tổng thống Pháp đổi giọng, cứng rắn với Nga hơn trong xung đột ở Ukraine?: Sự thay đổi của Tổng thống Macron dường như bắt đầu vào cuối tháng 5 năm ngoái khi ông phát biểu tại một hội nghị an ninh do GLOBSEC tổ chức. Theo đó, ông thừa nhận, Paris đã không lắng nghe đầy đủ những lo ngại của các thành viên NATO gần Nga và Ukraine.
>>> Vì sao Tổng thống Pháp đổi giọng, cứng rắn với Nga hơn trong xung đột ở Ukraine?
Tổng thống Putin phản bác suy đoán Nga sẽ tấn công NATO sau Ukraine: Thời gian gần đây, nhiều quan chức phương Tây đã cố gắng kêu gọi ủng hộ viện trợ bổ sung cho Ukraine bằng cách tuyên bố rằng Nga sẽ không dừng lại nếu Ukraine bị đánh bại trên chiến trường. Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ những suy đoán này trong chuyến thăm Căn cứ Không quân Torzhok ở Vùng Tver.
“Điều này thật vô nghĩa. Những tuyên bố cho rằng chúng tôi sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine là hoàn toàn vô nghĩa và chỉ nhằm dọa người dân của họ để lấy tiền của họ”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Chiến thuật mới của Nga khiến Ukraine có nguy cơ mất thêm lãnh thổ: Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng bom lượn nhắm vào các vị trí của Ukraine trong những tháng gần đây. Chiến thuật này cho thấy không quân Nga đã thích nghi với những hạn chế của chính mình, trong khi Ukraine đang phải đối mặt với nguy cơ mất thêm lãnh thổ.
>>> Chiến thuật mới của Nga khiến Ukraine có nguy cơ mất thêm lãnh thổ
Nga tìm được gì khi "mổ xẻ" xe tăng Abrams thu được ở Ukraine?: Những chiếc xe tăng M1A1 Abrams được phương Tây viện trợ cho Ukraine đã trở thành những chiến lợi phẩm giá trị cho các kỹ sư quốc phòng Nga.
“Chúng tôi có thể xác định các điểm yếu của nó, từ đó có thể hiểu hệ thống điều khiển hỏa lực và pháo chính của Abrams khai hỏa như thế nào. Sau khi xác định được những điểm yếu, chúng tôi sẽ thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể tiêu diệt chiếc xe tăng này bằng mọi loại vũ khí chống tăng hiện có một cách đơn giản hơn”, chuyên gia quân sự Alexey Leonkov ở Moscow nói với Sputnik
Siêu tăng T-14 Armata của Nga không phù hợp để thực chiến ở Ukraine?: Nhiều người đặt câu hỏi vì sao T-14 Armata sở hữu dàn khí tài “khủng” cùng cấu tạo hiện đại với khoang bảo vệ riêng biệt dành cho kíp lái và tháp pháo điều khiển từ xa, nhưng siêu tăng của Nga lại không được triển khai trong các nhiệm vụ chiến trường thực tế ở Ukraine?
>>> Siêu tăng T-14 Armata của Nga không phù hợp để thực chiến ở Ukraine?
Nga nâng cấp “sát thủ diệt hạm” có thể khiến Ukraine đối mặt với "thảm họa": Nga đang nâng cấp một trong những tên lửa hành trình siêu âm chống hạm mạnh mẽ nhằm cho phép các lực lượng của Moscow tấn công Ukraine với độ chính xác cao hơn, truyền thông nhà nước Nga đưa tin. Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhận định với Tass, P-800 Oniks của Moscow sẽ sớm nhận được các thiết bị dẫn đường chủ động mới, cho phép quân đội Nga tấn công các mục tiêu trên mặt đất của Ukraine với độ chính xác cao hơn.
Tình thế nghìn cân treo sợi tóc của Ukraine khi Nga sắp tiến công dọc tiền tuyến: Theo Economist, Nga đang chuẩn bị cho một đợt huy động lực lượng khác nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn tiếp theo trong khi Ukraine đối mặt với một loạt vấn đề.
>>> Tình thế nghìn cân treo sợi tóc của Ukraine khi Nga sắp tiến công dọc tiền tuyến
Pháp phải "thắt lưng buộc bụng" viện trợ cho Ukraine: Tờ Le Monde cho biết, trong khi chính phủ Pháp đang vật lộn với kế hoạch cắt giảm chi tiêu thì Tổng thống Emmanuel Macron lại một lần nữa tuyên bố sẽ bổ sung thêm viện trợ quân sự cho Ukraine và lời hứa này của ông Macron khó có thể thực hiện được.
Mỹ tức giận trước kế hoạch đưa quân vào Ukraine của Tổng thống Pháp: Bloomberg dẫn các nguồn tin riêng cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tức giận trước tuyên bố Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân NATO đến Ukraine. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Bloomberg, Washington tin ông Macron có thể khơi mào một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga khi đưa ra một kế hoạch như trên. Nguồn tin này cũng cho biết Tổng thống Macron đã bị các nước thành viên NATO chỉ trích về tuyên bố đưa quân vào Ukraine trong một cuộc hội đàm kín.
Tổng thống Nga tuyên bố sẽ phá hủy F-16 viện trợ cho Ukraine dù ở bất kỳ đâu: Theo một tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin vào 27/3, Nga không có toan tính với bất cứ quốc gia NATO nào và sẽ không tấn công Ba Lan, các quốc gia Baltic và Cộng hoà Séc nhưng nếu phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine thì chúng sẽ bị lực lượng nước này bắn hạ.