Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/7
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 4/7.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt tàu chở ngũ cốc treo cờ Nga theo đề nghị của Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, Vasily Bodnar cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tàu chở hàng mang cờ Nga sau khi Kiev cáo buộc tàu này có liên quan đến vận chuyển bất hợp pháp ngũ cốc Ukraine.
Phát biểu với đài truyền hình quốc gia Ukraine, ông Vasily Bodnar cho biết: “Tàu hiện đang ở lối vào cảng, nó đã bị cơ quan hải quan Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ”.
Tổng thống Zelensky xác nhận các lực lượng Ukraine rút khỏi Lysychansk. Tuy nhiên, ông Zelensky tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát Lysychansk với sự hỗ trợ của vũ khí tầm xa của phương Tây.
“Nếu các chỉ huy quân đội của chúng tôi rút quân khỏi các điểm nhất định ở mặt trận, nơi đối phương thù có lợi thế lớn nhất về hỏa lực, đặc biệt là ở Lysychansk, thì điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ trở lại nhờ chiến thuật của mình và nhờ nguồn cung cấp vũ khí hiện đại được bổ sung”, Tổng thống Zelensky cho biết trong bài phát biểu qua video.
Nga cáo buộc phương Tây muốn kéo dài chiến tranh, ngăn cản Ukraine đàm phán. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, hiện nay các nước phương Tây “đang đánh cược với sức mạnh của mình và vẫn muốn tiếp tục chiến tranh, do đó không cho phép Ukraine thảo luận, đàm phán hoà bình với Nga”. Tuy nhiên, Điện Kremlin tin rằng, sẽ đến lúc xu thế đối thoại ở phương Tây thắng thế và các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine sẽ được nối lại. Ông Peskov nhấn mạnh, giờ đây các sáng kiến nhằm xoa dịu tình hình đã giảm xuống, song sớm muộn gì các cuộc đàm phán sẽ được khôi phục.
Mỹ nói chưa đến lúc để Nga và Ukraine đàm phán hòa bình. Người điều phối Hội đồng An ninh Quốc gia về Trao đổi Chiến lược của Mỹ, ông John Kirby cho biết, Washington tin rằng hiện còn quá sớm để thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bởi chưa bên nào sẵn sàng đàm phán.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có "thúc đẩy" Nga và Ukraine hướng đến đàm phán hòa bình hay không, ông Kirby cho biết, thay vào đó, "đã đến lúc để Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine". Mục tiêu của Washington là đảm bảo Kiev có thể "quyết định chiến thắng sẽ diễn ra như thế nào" và "những điều khoản" sau đó.
>>> Nga cáo buộc Ukraine dừng đàm phán hòa bình theo lệnh từ Mỹ
Ukraine nêu danh sách các điều kiện để nối lại đàm phán hòa bình với Nga. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine đã phản hồi trước những tuyên bố của điện Kremlin về việc nối lại đàm phán bằng cách cung cấp danh sách các điều kiện để Ukraine sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán một lần nữa.
Ông Podolyak đã viết trên Twitter các điều kiện trên bao gồm: "Lệnh ngừng bắn. Nga rút quân. Trao trả dân thường bị bắt cóc. Dẫn độ tội phạm chiến tranh. Thiết lập cơ chế bồi thường. Công nhận chủ quyền của Ukraine".
Hàng chục nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Bulgaria. Hai máy bay chở 70 nhân viên ngoại giao Nga và người thân đã cất cánh rời khỏi Bulgaria. Đây là lần trục xuất lớn nhất từ trước tới nay của Bulgaria với Đại sứ quán Nga mặc dù hai quốc gia này đã có mối quan hệ gần gũi truyền thống từ nhiều năm trước.
Thủ tướng Australia thăm Ukraine, cam kết tăng viện trợ quân sự. Tại cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Albanese cam kết Australia sẽ hỗ trợ tái thiết Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng để đối phó với tình hình trước mắt, Australia sẽ bổ sung viện trợ quân sự trị giá gần 100 triệu AUD cho quốc gia Đông Âu này.
Gói viện trợ mới của Australia bao gồm 20 xe bọc thép cơ động Bushmaster, 14 xe bọc thép chở quân xe M113, các thiết bị kỹ thuật quân sự do nước này sản xuất như máy bay không người lái và một khoản đóng góp để hỗ trợ Ukraine thông qua Quỹ Ủy thác của NATO.
Ukraine sẽ không được đảm bảo an ninh như thành viên NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, Ukraine sẽ không được hưởng nguyên tắc phòng vệ tập thể nếu nước này không phải là thành viên NATO. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh ARD, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ không đầy đủ như sự đảm bảo dành cho các thành viên NATO.
Tuy nhiên, ông Scholz cho biết vấn đề cung cấp một số đảm bảo an ninh cho Kiev “hiện đang được các nhà ngoại giao chuẩn bị kỹ lưỡng” cho thời điểm xung đột hiện tại kết thúc. Còn hiện tại, phương Tây sẽ duy trì sức ép đối với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt.
>>> Thổ Nhĩ Kỳ trở lại là thành viên tin cậy của NATO hay vẫn chỉ tìm lợi ích riêng?
Thủ tướng Đức nhận định xung đột kết thúc khi Nga hiểu không thể chiếm lãnh thổ Ukraine. Thủ tướng Scholz cho rằng khó có thể dự đoán chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu khi Moscow đang sở hữu những nguồn lực đáng kể. Khi được hỏi khi nào Nga sẽ cạn kiệt nguồn lực để không thể tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Scholz nhận định: "Không ai thực sự biết điều đó".
"Cuộc xung đột sẽ kết thúc khi Tổng thống Putin nhận ra rằng ông ấy không thể thành công với ý tưởng chiếm một phần lãnh thổ của nước láng giềng".
Nga nghi ngờ Anh tìm cớ xâm nhập Biển Đen. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Anh đang tìm kiếm một “cái cớ” để đưa Hải quân Anh xâm nhập vào Biển Đen và giải phóng các kho dự trữ ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya 24, Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng một số nước đang cố gắng sử dụng vấn đề an ninh lương thực “theo cách tồi tệ nhất có thể” bằng cách cáo buộc Nga “về điều không liên quan đến Moscow” và bằng cách “minh oan” cho Ukraine. Dẫn tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Anh “rõ ràng đang tìm cớ để Hải quân Anh xâm nhập Biển Đen và gần như phụ trách tất cả quy trình giải phóng ngũ cốc từ các cảng do Ukraine khai thác".
Đáp trả cấm vận Kaliningrad, Nga có thể khiến một nửa nền kinh tế Litva biến mất, Thống đốc Kaliningrad cảnh báo.
"Ngành vận tải của các nước vùng Baltic có thể bị phá hủy nếu Nga thực hiện đáp trả trừng phạt lên hàng hóa đến và rời các nước vùng Baltic", Thống đốc vùng Kaliningrad Anton Alikhanov nhận định với một tờ báo Nga ngày 4/7. "Nga có thể khiến một nửa nền kinh tế Litva biến mất. Dường như Litva không hiểu rằng vùng Kaliningrad là một phần của Nga và chúng tôi sẽ có ai đó đến giải cứu. Chúng tôi không đơn độc trong vấn đề này".
Ukraine tiết lộ số tiền cần cho kế hoạch tái thiết hậu xung đột. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết, Ukraine cần 750 tỷ USD cho một kế hoạch phục hồi 3 giai đoạn sau cuộc xung đột với Nga.
Ông Denys Shmygal cũng nói rằng thiệt hại trực tiếp đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga tới nay là hơn 100 tỷ USD. Ông Shmygal cho biết thêm, chính phủ Ukraine tin rằng nguồn tài trợ chính cho kế hoạch phục hồi này nên được lấy từ tài sản bị tịch thu từ các nhà tài phiệt Nga./.