Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 7/5
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 7/5/2024.
Nga huy động hơn 20.000 quân áp sát pháo đài chiến lược Chasov Yar. Quân đội Ukraine ngày 5/5 cho biết Nga đã huy động tới 25.000 binh sĩ xung quanh pháo đài chiến lược Chasov Yar.
“Đối phương đã tập hợp một nhóm gồm 20.000-25.000 quân xung quanh Chasov Yar”, ông Nazar Voloshyn, người phát ngôn nhóm lực lượng Khortytsia của Ukraine phát biểu trên truyền hình ngày 5/5.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ đánh giá việc chiếm được Chasov Yar sẽ giúp Nga tấn công phần còn lại của vành đai pháo đài của Ukraine. Việc chiếm Chasov Yar cũng có thể cho phép Nga cắt đứt khu định cư Kostiantynivka, điều này sẽ làm tổn hại đến “xương sống phòng thủ của Ukraine” ở khu vực Donetsk.
Ukraine nêu kịch bản có thể đề nghị phương Tây can thiệp quân sự. Nghị sĩ Ukraine Aleksey Goncharenko nói rằng, Kiev có thể yêu cầu phương Tây triển khai binh sĩ tới nước này nếu nhận thấy tình hình trên chiến trường trở nên rất bất lợi và không thể tự mình ngăn chặn Nga.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp LCI hôm 4/5, nghị sĩ Goncharenko đã cảm ơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì đã không loại trừ khả năng gửi quân đội đến Ukraine. Ông mô tả nhận xét của Tổng thống Macron là một “tín hiệu rất tốt” đối với Nga, đồng thời lưu ý rằng quân đội nước ngoài ở Ukraine có thể được giao nhiệm vụ huấn luyện quân đội Ukraine và thực hiện các nhiệm vụ khác mà không cần phải đối đầu trực tiếp với lực lượng của Moscow.
Khi được hỏi liệu Ukraine có yêu cầu phương Tây hỗ trợ trực tiếp nếu quân đội Nga tiếp cận Kharkiv hoặc Kiev hay không, nghị sĩ Goncharenko cho biết ông không loại trừ bất kỳ kịch bản nào. “Tôi nghĩ điều đó là có thể… Nếu tình hình tiền tuyến cho thấy Ukraine không thể tự mình ngăn chặn lực lượng Nga mà không có sự hỗ trợ quân sự của châu Âu, thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra” ông nói, đồng thời bày tỏ hy vọng Kiev sẽ không cần tới biện pháp quyết liệt như vậy.
Nga tiếp tục nhắm vào Kharkiv giữa lúc áp đảo quân Ukraine ở phía Đông. Nga đã phóng 24 UAV Shahed vào Kherson ở phía Nam, Dnipropetrovsk ở miền Trung và Kharkiv ở Đông Bắc Ukraine trong đêm qua. Phòng không Ukraine tuyên bố bắn hạ 23 UAV.
Theo các nhà chức trách địa phương, Kharkiv cũng đã đối mặt với một cuộc pháo kích càn quét khác của Nga chiều 5/5. Thông tin sơ bộ cho thấy những quả bom lượn khó đánh chặn mà Nga đã sử dụng để tấn công thành phố này một vài tháng qua đã phá hủy một số ngôi nhà và ô tô.
Trong thông điệp qua video tối 4/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Lữ đoàn Cơ giới 110 của nước này đã bắn hạ 1 chiến đấu cơ Su-25 của Nga ở khu vực Donetsk sáng cùng ngày song không công bố thông tin chi tiết. Lực lượng vũ trang Ukraine thông báo, Nga đã tổn thất 349 chiến đấu cơ và 325 trực thăng kể từ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022 nhưng những con số này chưa thể xác minh.
Lữ đoàn 47 Ukraine kiệt sức vì đánh trận liên tục, Mỹ nhập cuộc hỗ trợ. Forbes cho hay, Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine đã kiệt sức do đánh trận quá nhiều và hiện cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Lầu Năm Góc (Mỹ). Lữ đoàn 47, gồm toàn bộ là tình nguyện viên do các giảng viên Mỹ huấn luyện, là một trong các lữ đoàn “quả đấm thép” của quân đội Ukraine. Đơn vị này được trang bị vũ khí Mỹ, bao gồm xe tăng M1 Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley và lựu pháo M-109.
Hồi tháng 1/2024, lữ đoàn này nổi như cồn khi sử dụng xe Bradley để tấn công vào xe tăng Nga T-90M bằng hỏa lực súng xích 25mm. Xe tăng T-90M vốn được phía Nga đánh giá là “xe tăng tốt nhất thế giới”. Nhưng do phải tác chiến liên tục kể từ chiến dịch phản công của Ukraine vào năm ngoái (2023), Lữ đoàn đông tới 2.000 người này cần được nghỉ ngơi và bổ sung vật lực và nhân lực. Theo Forbes, Lầu Năm Góc sẽ nhập cuộc để bổ sung vật lực cho Lữ đoàn 47 và giúp đơn vị củng cố hiệu quả chiến đấu.
Phương Tây bất đồng về đề xuất tịch thu tài sản của Nga. Bất chấp yêu cầu của Ukraine về việc tịch thu toàn bộ các tài sản của Nga bị phong tỏa ở các nước phương Tây, nhiều quan chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ám chỉ rằng đề xuất này không còn được thảo luận, theo Financial Times.
Thay vào đó, các quốc gia G7 đang xem xét những cách khác để tận dụng tài sản của Nga. Hồi tháng 2, Bỉ đã đề xuất một kế hoạch mà trong đó khoảng 190 tỷ euro dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga do Euroclear nắm giữ có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay viện trợ Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này được coi là rủi ro và các nước châu Âu vẫn phản đối.
Nga tập trận với tên lửa hạt nhân chiến thuật để răn đe phương Tây. Ngày 6/5, Nga thông báo sẽ tổ chức một cuộc tập trận bao gồm hoạt động diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Thông báo được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc phương Tây đe dọa an ninh liên bang.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập trận diễn ra theo chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin, sẽ kiểm tra mức độ sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Cuộc diễn tập cũng có sự tham gia của các đơn vị tên lửa thuộc Quân khu miền Nam và Hải quân.
“Trong cuộc diễn tập, nhiều biện pháp sẽ được triển khai để luyện tập chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ. Thông báo khẳng định, mục đích của cuộc tập trận là nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, “đáp trả những đe dọa và tuyên bố khiêu khích của các quan chức phương Tây nhằm vào Nga”.