Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngày 8/3
VOV.VN - Vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine đạt một số tiến triển tích cực, Tổng thống Zelensky tuyên bố sẵn sàng thảo luận về cơ chế của Crimea và 2 vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass… là những diễn biến chính tình hình chiến sự Nga-Ukraine trong 24 giờ qua.
Vòng đàm phán phán thứ 3 giữa Nga-Ukraine có một số tiến triển tích cực. Vòng đàm phán thứ ba Nga-Ukraine đã diễn ra tại Belarus và kéo dài khoảng 3 giờ. Cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak cho biết, vòng 3 đã có “một số tiến triển tích cực” về việc cải thiện hậu cần của các hành lang nhân đạo. Ông cho biết, các cuộc tham vấn sâu rộng giữa Moscow và Kiev về lệnh ngừng bắn vẫn tiếp tục. Theo ông, không có kết quả đáng kể cho đến nay.
Trong khi đó, Trưởng phái đoàn Nga, trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky cho biết, Nga hy vọng sẽ ký ít nhất một biên bản tại cuộc đàm phán với phái đoàn Ukraine, nhưng không có gì được ký kết. Một bộ tài liệu lớn, với các đề xuất cụ thể mà phía Nga chuẩn bị, được phía Ukraine mang về nghiên cứu. Phía Ukraine cho biết họ sẽ quay lại vấn đề này, có thể là vào cuộc gặp tiếp theo.
Hiện thông tin về cuộc đàm phán lần thứ 4 giữa các bên vẫn chưa được tiết lộ, song theo ông Leonid Slutsky - một nhà đàm phán của Nga, vòng đàm phán tới sẽ tiếp tục diễn ra ở Belarus trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine - Dmytro Kuleba cho biết, phía Ukraine mong muốn sẽ có cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời gian tới.
Nga sẵn sàng thiết lập hành lang nhân đạo tại Ukraine. Theo thông báo của Trụ sở Điều phối Liên ngành về Cứu trợ Nhân đạo của Nga, “Từ 10h sáng (giờ Moscow) ngày 8/3, Nga thông báo ngừng bắn và sẵn sàng mở hành lang nhân đạo từ Kiev và các trung tâm cư dân lân cận tới Nga qua lãnh thổ Cộng hòa Belarus tới Gomel… theo thỏa thuận với phía Ukraine”.
Các hành lang nhân đạo cũng được mở từ Chernigov qua Belarus, từ thành phố Sumy dọc 2 lộ trình tới Poltava và tới Russia, từ Kharkiv tới Nga hoặc tới Lviv, Uzhgorod và Ivano-Frankovsk. Hành lang nhân đạo từ Mariupol cũng được mở dọc 2 tuyên tới Nga và Zaporozhe.
Đảng cầm quyền Nga đề xuất quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài. Cho tới nay, đã có hàng chục doanh nghiệp quốc tế bày tỏ ý định dừng hoạt động ở Nga và danh sách này ngày càng dài thêm. Thư ký hội đồng chung của đảng Nước Nga thống nhất, ông Andrey Turchak gọi những hành động này là “đâm sau lưng” đồng thời cảnh báo Nga sẽ có “biện pháp đáp trả cứng rắn”.
Theo ông Turchak, quyết định rời Nga của các công ty nước ngoài là “một sự phá sản được tính toán trước”, “một quyết định hoàn toàn mang tính chính trị” và là một phần của “cuộc chiến trừng phạt chống lại Nga”. Do đó, ông cho rằng, nhiệm vụ chính của chính quyền Nga là “duy trì việc làm” và không để nền kinh tế “bị phá hủy từ bên trong”.
Hungary ban hành sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ký sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh quyết định này là cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước. Sắc lệnh được ban hành sau khi đánh giá về tình hình Ukraine.
Sắc lệnh mới của Hungary vẫn cho phép các lực lượng NATO đồn trú tại nước này và cho phép vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ Hungary tới các quốc gia thành viên khác trong NATO.
Nga cảnh báo cắt khí đốt sang châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 1. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt đi qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 nhằm đáp trả lệnh cấm hoạt động đối với Dòng chảy phương Bắc 2.
Nga cũng cảnh báo việc từ bỏ dầu của Nga sẽ là một thảm họa đối với thị trường toàn cầu, khiến giá dầu tăng lên 300 USD/thùng hoặc cao hơn.
“Việc thay thế nhanh chóng dầu của Nga trên thị trường châu Âu là điều không thể, sẽ mất hơn một năm và giá dầu sẽ đắt hơn nhiều đối với người tiêu dùng châu Âu”, Phó Thủ tướng Nga nói thêm.
Ukraine sẵn sàng thảo luận về quy chế của Crimea, Donetsk và Lugansk. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này sẵn sàng xem xét “thảo luận” quy chế của Crimea cùng 2 vùng lãnh thổ ly khai tại miền Đông Ukraine.
“Tôi đang nói về việc đảm bảo an ninh cùng những vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và 2 khu vực ly khai tại miền Đông Ukraine chưa được bất cứ bên nào công nhận độc lập, ngoại trừ Nga. Nhưng chúng ta có thể thảo luận và tìm kiếm những thỏa thuận về cách thức mà các vùng lãnh thổ này tồn tại. Điều quan trọng đối với tôi là những người dân ở các vùng lãnh thổ đó – những người muốn là một phần của Ukraine sẽ sinh sống như thế nào”, ABC News dẫn lời ông Zelensky nêu rõ./.