Diễn biến chính trị tại Peru khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại
VOV.VN - Ngày 15/12, chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị leo thang chưa từng có tại quốc gia Nam Mỹ này. Theo đó, tất cả các quyền hội họp, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và quyền tự do đi lại của người dân sẽ bị tạm thời đình chỉ.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Luis Alberto Otarola thông báo, các biện pháp này được áp dụng nhằm “ngăn chặn các hành vi bạo lực và phá hoại”, đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự trên toàn lãnh thổ đối với tài sản cá nhân và trên hết là bảo đảm cơ sở hạ tầng chiến lược cũng như sự an toàn và phúc lợi của tất cả người dân Peru.
Ông Otarola cũng cho biết, Peru đang xác định các khuôn khổ pháp lý và sẵn sàng cân nhắc ban bố lệnh giới nghiêm: “Chúng tôi đã nhất trí về lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do các hành vi phá hoại, bạo lực, đồng thời tạm thời đóng cửa các tuyến đường và đường cao tốc. Những hành vi phá hoại này cần phải được kiểm soát bởi các Lực lượng Vũ trang và Cảnh sát Quốc gia. Nó cũng đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ và có thẩm quyền từ chính phủ”.
Hiện cảnh sát Quốc gia và Lực lượng Vũ trang Peru đã giành lại quyền kiểm soát nhiều tuyến cao tốc và đường giao thông huyết mạch bị những người biểu tình phong tỏa. Trong khi đó, các biện pháp khẩn cấp khác sẽ được triển khai triệt để nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự nội bộ, từ đó đảm bảo tự do đi lại và hòa bình cho người dân.
Cũng trong ngày 15/12, tân Tổng thống Peru Dina Boluarte cũng kêu gọi người dân cần bình tĩnh và các bên liên quan cần tham gia đối thoại hoà bình. Trước đó, bà Boluarte tuyên bố sẽ đệ trình một dự luật lên Quốc hội trong vòng vài ngày để tổ chức bầu cử sớm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị leo thang tại quốc gia này.
“Về mặt pháp lý, thời điểm phù hợp để tiến hành bầu cử sẽ là tháng 4/2024. Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận của chúng tôi nhằm điều chỉnh thời gian diễn ra bầu cử, cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ được dời sang tháng 12/2023 vì những thời điểm trước đó, xét về mặt kỹ thuật và pháp lý đều không phù hợp”, ông Boluarte nhấn mạnh.
Những diễn biến chính trị tại Peru cũng khiến cho các quốc gia trong khu vực lo ngại. Ngày 15/12, lãnh đạo 4 quốc gia láng giềng Mỹ Latin gồm Mexico, Argentina, Bolivia và Colombia đã ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây dẫn tới việc phế truất và tạm giam cựu Tổng thống Peru Pedro Castillo, đề nghị Chính phủ Peru đặt mong muốn của người dân nước này lên làm ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho châu Mỹ - Hiệp định Thương mại của các dân tộc (ALBA - TCP) tại La Habana, Cuba cũng kêu gọi các bên liên quan cần hành động một cách tôn trọng quyền của người dân để có thể sớm có một nền hòa bình, dân chủ và hợp hiến cho cuộc khủng hoảng to lớn ở Peru.
Những ngày vừa qua, Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng khi cựu Tổng thống Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Hành động của ông Castillo bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này, trong khi ông Castillo sau đó đã bị bắt giữ trên đường tới Đại sứ quán Mexico để tị nạn.
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Dina Boluarte đã leo thang trong suốt những ngày qua khi đám đông đụng độ cảnh sát, kêu gọi triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Dina Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, đồng thời tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ này./.