Điện Kremlin xác nhận Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm Nga
VOV.VN - Điện Kremlin xác nhận chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Nga nằm trong chương trình nghị sự và đang được bàn bạc thêm.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 4/3 cho biết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm Nga. Tuy nhiên, ông Peskov không tiết lộ thời điểm hoặc bất kỳ chi tiết nào khác liên quan đến chuyến thăm.
Chủ tịch Triều Tiên giơ tay chào khi đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn sáng 26/2. Ảnh: Vũ Toàn. |
“Một chuyến thăm như vậy thực sự nằm trong chương trình nghị sự”, ông Peskov nói. “Chúng tôi hy vọng rằng ngày giờ và địa điểm chính xác sẽ được xác định thông qua các kênh ngoại giao trong tương lai gần”.
Thông báo của Điện Kremlin được đưa ra khi ông Kim Jong Un quay trở lại Bình Nhưỡng sau cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Việt Nam.
Cũng trong ngày 4/3, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, các thành viên của một nhóm nghị sĩ có liên quan đến mối quan hệ Nga-Triều Tiên sẽ có chuyến thăm thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên ngày 12/4.
Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc mới đây đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán 3 bên bán chính thức với Mỹ và Triều Tiên. Seoul đang cho thấy nỗ lực để đưa mọi chuyện trở lại đúng hướng sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 4/3 đã nhấn mạnh, ưu tiên cao nhất của nước này hiện nay chính là ngăn không để các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đi chệch hướng.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha, các cuộc đàm phán được đề xuất có thể có sự góp mặt của các chuyên gia dân sự từ Mỹ và Hàn Quốc, sẽ giúp giải quyết những khác biệt trong quan điểm về mức độ trừng phạt Triều Tiên.
“Chúng ta nên xem xét phải làm gì, làm thế nào để Mỹ và Triều Tiên nhận thức được tình hình hiện tại và chúng ta sẽ đưa ra các biện pháp hòa giải thực tế. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều biện pháp để mở lại đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hợp tác với các nước có cùng mối quan tâm đến vấn đề này như Nga và Trung Quốc để có thể mở lại đối thoại Mỹ-Triều càng sớm càng tốt”.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội tuần trước đã không có một tuyên bố chung. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt hiện nay để đổi lấy việc Bình Nhưỡng đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng Washington thấy thời điểm này chưa thích hợp.
Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên lại nói rằng Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu Washington gỡ bỏ một số chứ không phải toàn bộ các lệnh trừng phạt, cụ thể là 5 nghị quyết cấm vận mà Liên Hợp Quốc đã thông qua trong năm 2016 và 2017. Song, nhà ngoại giao hàng đầu Triều Tiên nói, Chính quyền của ông Trump "đã không sẵn sàng chấp nhận đề xuất có tính thực tiễn" của Bình Nhưỡng./.
Ông Kim Jong Un về thẳng Triều Tiên mà không dừng lại ở Bắc Kinh